Củng cố vai trò trụ cột y tế toàn cầu
Logo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh thách thức y tế ngày càng phức tạp và gia tăng, yêu cầu bảo đảm duy trì hoạt động của WHO càng cấp thiết. Liên hợp quốc khẳng định ủng hộ vai trò và công việc của WHO trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Năm 2024 sắp khép lại với những thành quả đáng tự hào mà WHO gặt hái được trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe người dân. Với sự đồng hành của tổ chức y tế đa phương lớn nhất hành tinh, Ai Cập đã thoát khỏi bệnh sốt rét sau gần 100 năm chiến đấu với căn bệnh này. Bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh được loại trừ ở Guinea, khu vực châu Mỹ hoàn toàn xóa sổ bệnh sởi, trong khi hơn 12 triệu liều vắc-xin sốt rét được phân bổ cho 17 nước châu Phi…
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, những nỗ lực của WHO đã góp phần đáng kể giúp nâng cao sức khỏe người dân. Trong 5 năm qua, 1,2 tỷ người sống khỏe mạnh hơn nhờ môi trường sống lành mạnh, có thêm gần 430 triệu người được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, 600 triệu người được bảo vệ tốt hơn trước các tình trạng y tế khẩn cấp. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, WHO đã kề vai sát cánh cùng các nước vượt qua giai đoạn sóng gió nhất. Hiện nay, WHO tiếp tục đi đầu trong thúc đẩy ký kết hiệp ước toàn cầu về đại dịch.
Những thành quả nêu trên là minh chứng sống động cho thấy vị trí quan trọng bậc nhất của WHO trong hệ thống y tế toàn cầu. Vai trò "đầu tàu" đó đã được cộng đồng quốc tế công nhận.
Trong tuyên bố hôm 23/12, Phó Phát ngôn viên Liên hợp quốc, bà Stephanie Tremblay nêu rõ: WHO đang thực hiện công việc rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng thế giới và Liên hợp quốc tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng tổ chức y tế đa phương này.
Tuyên bố của Liên hợp quốc được đưa ra trong bối cảnh gần đây, truyền thông đưa tin về khả năng đội ngũ chuyển giao của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên kế hoạch rút Mỹ khỏi WHO. Giới phân tích nhận định, kịch bản nêu trên hoàn toàn có thể xảy ra, bởi trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump từng khởi xướng kế hoạch này sau khi chỉ trích năng lực ứng phó của WHO trước đại dịch Covid-19.
Hiện Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 16% ngân sách trong giai đoạn 2022-2023. Vì vậy, giới phân tích lo ngại, việc Mỹ rút lui có thể là "cú giáng mạnh" khiến WHO mất đi nguồn lực quan trọng để ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế công cộng, đồng thời làm suy yếu vai trò của WHO trong giải quyết thách thức y tế toàn cầu.
Tình huống này một lần nữa đặt ra câu hỏi về việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động của WHO. Nhiều chuyên gia cho rằng, tài chính không ổn định là một trong những nguyên nhân khiến WHO thiếu linh hoạt trong ứng phó các cuộc khủng hoảng bất thường. Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus từng thừa nhận, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, tổ chức này gặp rất nhiều khó khăn khi phải loay hoay tìm kiếm nguồn tài trợ để ứng phó đại dịch.
Trong khi ngân sách eo hẹp, gánh nặng trên vai WHO ngày càng lớn khi phải ứng phó cùng lúc nhiều tình huống y tế khẩn cấp, từ xung đột, thiên tai đến dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Theo người đứng đầu WHO, xung đột đã khiến bệnh bại liệt tái bùng phát ở Dải Gaza. Bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi vẫn đáng lo ngại khi số ca bệnh tiếp tục tăng cao tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và Uganda. Gần 15 triệu người trên thế giới đang cần được tiếp cận khẩn cấp với các dịch vụ y tế… Trong khi đó, năm 2024 chứng kiến gần 1.400 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những thách thức về y tế mà WHO đang đối mặt cũng là mối đe dọa chung đối với toàn nhân loại. Trong bối cảnh đó, bảo đảm nguồn tài chính bền vững là nhân tố quan trọng hàng đầu để giúp WHO xây dựng một nền tảng vững chắc hơn để tiếp tục đồng hành cùng các nước trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả