Thứ 4, 20/11/2024, 03:29[GMT+7]

Dịch COVID-19 sáng 3-5: Thống đốc New York từ chối mở cửa lại, Việt Nam 0 ca mới

Chủ nhật, 03/05/2020 | 06:54:26
1,009 lượt xem
Trong khi một số khu vực trên thế giới như Anh đã rục rịch mở cửa lại nền kinh tế, Thống đốc bang New York của Mỹ vẫn cho rằng đây là quyết định vội vàng. Tại Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới.

Kiểm tra khẩu trang trước khi hoàn thiện và đóng gói - Ảnh: AFP

Việt Nam 17 ngày không phát hiện ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Cập nhật lúc 6h sáng 3-5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19. Đến hôm nay đã 17 ngày Việt Nam không phát hiện ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.

Tổng số ca nhiễm đến hiện tại vẫn là 270, trong đó 217 ca đã khỏi và ra viện. Trong số 53 ca còn đang điều trị (trong đó có 14 ca tái dương tính sau xuất viện), 9 ca đã có kết quả âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 và 12 ca có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 30.517, trong đó 244 trường hợp cách ly tập trung tại bệnh viện.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống COVID-19: hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; nếu buộc phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn...

Thống đốc New York phản đối mở cửa sớm

Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo ngày 2-5 tuyên bố ông phản đối những yêu cầu mở cửa sớm. Ông Coumo khẳng định dù người dân đang khổ sở vì không có công việc, nhưng đây là điều cần thiết để chống lại dịch COVID-19.

Khoảng một nửa nước Mỹ đang dần mở cửa lại nền kinh tế trong tuần này. Trong bối cảnh đó, ông Cuomo nói ông cần thêm thông tin về tình hình dịch bệnh trước khi nới lỏng các biện pháp giới hạn. Tiểu bang New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nước Mỹ trong dịch COVID-19.

"Ngay cả khi không có kinh nghiệm, điều đó cũng không có nghĩa rằng bạn có thể bước đi một cách mù quáng. Sử dụng thông tin để quyết định hành động, không phải cảm xúc, không phải chính trị. Không phải những thứ người ta nghĩ hoặc cảm thấy mà là những gì chúng ta biết về thực tế", ông Coumo tuyên bố.

Hiện nay, Mỹ có 2 bang Texas và Georgia đang dẫn đầu trong việc cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại sau thời gian dài phải đóng cửa vì dịch bệnh. Lãnh đạo tại các bang này và một số nơi khác chịu tác động từ dịch bệnh ít hơn đang chịu sức ép từ phía người dân.

Số liệu chính thức công bố hôm 30-4 cho thấy 30 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 21-3.

Tính đến ngày 2-5, số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt 1,1 triệu, bao gồm khoảng 65.000 người thiệt mạng.

Dịch COVID-19 sáng 3-5: Thống đốc New York từ chối mở cửa lại, Việt Nam 0 ca mới - Ảnh 2.

Người biểu tình kêu gọi mở cửa lại nền kinh tế tại Sailsbury, Maryland, Mỹ - Ảnh: REUTERS

* Canada thông báo số ca COVID-19 tăng từ 53.657 lên 55.572, trong khi số ca tử vong tăng từ 3.223 lên 3.446.

* Thổ Nhĩ Kỳ có thêm 78 bệnh nhân qua đời vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 3.336. Bộ Y tế nước này cũng ghi nhận số ca nhiễm đã tăng thêm 1.983 lên 124.375.

* Số ca tử vong tại Pháp tính đến ngày 2-5 đã tăng 166 lên 24.760. Số bệnh nhân tại các bệnh viện Pháp giảm từ 25.887 xuống còn 25.827.

* Bộ Y tế Brazil ghi nhận thêm 4.970 ca nhiễm và 421 trường hợp tử vong mới trong ngày 2-5. Tổng số ca COVID-19 của Brazil đang là 95.559 cùng với 6.750 bệnh nhân đã qua đời.

Anh chuẩn bị mở cửa trường tiểu học

Vương quốc Anh (UK) có thể cho phép các trường tiểu học tại England và xứ Wales mở cửa lại sớm nhất vào khoảng ngày 1-6, thể theo các kế hoạch của Thủ tướng Boris Johnson.

Theo tờ Telegraph, nhiều người dự đoán ông Johnson sẽ công bố lộ trình mới của London trong thời kỳ trước mắt vào tuần sau.

Tờ Sunday Times cho rằng chính quyền Anh sẽ nới lỏng một số giới hạn trong tuần này, bao gồm khuyến khích các tòa nhà làm việc lại, giảm nhẹ quy định về hoạt động ngoài trời và kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi ra đường.

Saudi ‘uống thuốc đắng’ để chữa COVID-19

Saudi Arabia sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt và đầy đau đớn để đối phó với các tác động kinh tế từ đại dịch COVID-1, Bộ trưởng Tài chính Mohammed al-Jadaan tuyên bố ngày 2-5.

"Chúng ta phải giảm mạnh chi ngân sách" ông Al-Jadaan trả lời phỏng vấn đài Al Arabiya TV, nói thêm rằng tác động từ COVID-19 đến tình hình tài chính của Saudi sẽ trở nên rõ rệt trong quý 2 năm nay.

Một trong những biện pháp "hà khắc" có thể là đẩy lùi tiến trình của các dự án chính phủ để giảm chi phí. Nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này đang chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu sụt giảm.

Dự trữ ngoại tệ tại ngân hàng trung ương của Saudi Arabia đã giảm nhanh nhất trong ít nhất 20 năm qua vào hồi tháng 3, cán mốc thấp nhất kể từ năm 2011. Thâm hụt ngân sách của quốc gia này trong tháng 1-2020 là 9 tỉ USD.

Theo tuoitre.vn