Thứ 4, 20/11/2024, 20:33[GMT+7]

EU đạt "đồng thuận khó khăn" về ngân sách phục hồi hậu COVID-19

Thứ 4, 22/07/2020 | 07:50:06
1,763 lượt xem
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về đề xuất ngân sách lên tới hơn 1.000 tỷ Euro cho 7 năm tới và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19, trị giá 750 tỷ Euro.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ

Tại một trong những hội nghị thượng đỉnh kéo dài nhất từ trước tới nay, sau 5 ngày, cuối cùng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới hơn 1.000 tỷ Euro (gần 1.200 tỷ USD) cho 7 năm tới và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, trị giá 750 tỷ Euro.

Để đối phó với đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử, gói phục hồi 750 tỷ Euro với các khoản nhằm viện trợ và cho vay đối với các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Theo đó, mức hỗ trợ đã được giảm từ 500 tỷ Euro xuống còn 390 tỷ trong tổng số 750 tỷ Euro.

Gói hỗ trợ tập trung vào 3 biện pháp kinh tế "trụ cột": tạo ra các cải cách để giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, đưa ra các biện pháp mới để cải cách các nền kinh tế trong khoảng thời gian dài và đầu tư để giúp bảo vệ các nền kinh tế khỏi "khủng hoảng trong tương lai".

EU đạt đồng thuận khó khăn về ngân sách phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU về quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 tại Brussels, Bỉ

Trước đó, đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ Euro vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển cho biết nhóm "Frugals" gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ Euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, trong sáng 20/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận".

Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ USD đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "Frugals". Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó trình lên Nghị viện châu Âu thông qua. Gói ngân sách dài hạn, 7 năm, hơn 1.000 tỷ Euro có vẻ dễ dàng hơn trong việc tập hợp tiếng nói chung của các nước EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận đã có những thời điểm căng thẳng cao độ trong đàm phán nhưng cuối cùng, mọi chuyện đã tiến triển theo chiều hướng tích cực. Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong tình huống khác thường đòi hỏi các bên có những nỗ lực đặc biệt để đạt đồng thuận.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết trong cuộc họp báo hôm nay: "Đây là một thỏa thuận tốt, mạnh mẽ và quan trọng nhất, phù hợp với châu Âu ngay lúc này".

Ông Michel cũng mô tả đây là lần đầu tiên các thành viên của Liên minh châu Âu "cùng nhau thực thi các biện pháp kinh tế chống lại khủng hoảng".

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 135.000 công dân châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh, việc thông qua một kế hoạch đầy tham vọng là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng y tế đang tiếp tục đe dọa EU.

Trong các ngày trước đó, cuộc đàm phán diễn ra rất căng thẳng và khó khăn khi các quan điểm tỏ ra rất khác biệt theo ghi nhận của nhóm phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại EU. 

Theo vtv.vn