Thứ 4, 20/11/2024, 16:37[GMT+7]

Australia nêu điều kiện gia nhập CPTPP với Trung Quốc

Thứ 7, 18/09/2021 | 15:44:24
802 lượt xem
Australia tuyên bố phản đối Trung Quốc gia nhập CPTPP, trừ khi Bắc Kinh ngừng tấn công hàng xuất khẩu của họ và nối lại liên lạc cấp bộ trưởng.

Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan trong cuộc họp báo tại thủ đô Canberra hồi tháng 12/2020. Ảnh: AAP.

"Như chúng tôi đã truyền đạt tới Trung Quốc, đây là những vấn đề quan trọng đòi hỏi sự tham gia của các bộ trưởng", Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết hôm 17/9, đề cập đến việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo Tehan, Bắc Kinh không thể gia nhập CPTPP cho đến khi thuyết phục được các thành viên về khả năng tuân thủ những hiệp định thương mại hiện nay, cũng như các điều kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Australia đã đệ đơn khiếu nại Trung Quốc lên WTO, sau khi bị nước này áp thuế chống bán phá giá với rượu vang và lúa mạch xuất khẩu.

"Các thành viên CPTPP muốn tự tin rằng ứng viên gia nhập sẽ thực hiện đầy đủ những cam kết trong hiệp định một cách thiện chí", Tehan nói.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 16/9 thông báo nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, hiệp định thương mại lớn nhất thế giới được ký kết năm 2018 tại Chile. Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong khối. Bắc Kinh cũng đang dẫn đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tuy nhiên, Trung Quốc cần sự ủng hộ của tất cả thành viên CPTPP để được kết nạp, bao gồm Australia, một trong 6 nước đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định. Trung Quốc và Australia đã không liên lạc cấp bộ trưởng từ tháng 4/2020, khi Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19.

Kể từ đó, Trung Quốc đã ban hành các quy định nhắm tới hàng xuất khẩu của Australia như than đá, tôm hùm, gỗ tròn, áp thuế chống bán phá giá với rượu vang và lúa mạch, khiến chúng không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc.

CPTPP gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Tổng cộng, các nước này có 495 triệu dân, đóng góp 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD.

Theo vnexpress