Thứ 4, 20/11/2024, 14:21[GMT+7]

Điểm nhấn quan trọng trong Chiến lược hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Chủ nhật, 26/09/2021 | 17:05:19
339 lượt xem
Khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương những ngày gần đây chứng kiến nhiều chuyển biến chiến lược mạnh mẽ của các nước lớn.

Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU ngày 16/9

Có phải trong và sau đại dịch COVID-19, bối cảnh quốc tế sẽ có ít hợp tác hơn và cạnh tranh nhiều hơn? Đây là câu hỏi lớn trong những ngày này khi chúng ta chứng kiến những động thái thể hiện bước chuyển chiến lược của nhiều cường quốc trên toàn cầu.

Sau khi Mỹ, Anh, Australia cho ra mắt cơ chế hợp tác an ninh 3 bên AUKUS, Hội đồng Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bước đi này được giới quan sát đánh giá nhằm cải thiện sự hiện diện của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mở ra cánh cửa cho một cách tiếp cận đa chiều với khu vực này để đối phó với những thách thức đang nảy sinh. Và những động thái của các đối tác lớn càng khẳng định tầm quan trọng của khu vực vốn chiếm tới 60% GDP toàn cầu.

Tổng quan Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiếm 3/5 dân số toàn cầu, 60% GDP toàn thế giới. Khu vực này quy tụ các nền kinh tế lớn là 7 thành viên G20 bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn quốc, Nam Phi cũng như hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Với sự phát triển năng động, đóng góp chính trị to lớn Khu vực này càng ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong việc định hình trật tự thế giới mới. Trên cơ sở đó, EU xác định 7 lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đảm bảo thịnh vượng chung, phát triển bền vững: EU xác định các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là những đối tác hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đảm bảo môi trường thương mại ổn định, thông qua các cơ chế đa phương, song phương để đảm bảo một môi trường thương mại bền vững, rộng mở; thông qua tăng cường các quan hệ thương mại, cụ thể hóa các thỏa thuận đã có, đàm phán các thỏa thuận mới; hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; mở rộng dự án "chuỗi cung ứng có trách nhiệm ở châu Á" với Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh: Xây dựng kế hoạch dài hạn trong ứng phó, giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, chống các hoạt động làm mất đa dạng sinh học; xây dựng quan hệ đối tác xanh; tăng cường nghiên cứu, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch; nỗ lực giải quyết rác thải nhựa.

Hợp tác quản trị đại dương: Tăng cường quản trị đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982; đảm bảo quản lý bền vững tài nguyên biển, xây dựng mạng lưới dữ liệu biển quốc tế; duy trì vai trò là một trong các nhân tố đảm bảo an ninh hàng hải toàn cầu.

Tăng cường quản trị kinh tế số: Tăng cường hợp tác, thúc đẩy chuyển đối kinh tế số; phát triển các tiêu chuẩn cho các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo; bổ sung đàm phán về thương mại điện tử để tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, trước mắt là với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, sau đó là Ấn Độ, ASEAN. Tăng cường hợp tác bảo vệ dữ liệu an toàn.

Thúc đẩy kết nối khu vực: Thúc đẩy kết nối trên nhiều mặt với các đối tác; chú trọng các "đối tác kết nối" với Nhật Bản, Ấn Độ, tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng như ASEAN, mở rộng quan hệ với các đối tác mới gồm Australia, Hàn Quốc; thúc đẩy kết nối với các đối tác Đông Phi và Tây Ấn Độ Dương.

Điểm nhấn quan trọng trong Chiến lược hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Duy trì an ninh khu vực: Ưu tiên thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực mở dựa trên luật lệ, đảm bảo an toàn, an ninh, tự do hàng hải, tăng cường hiện diện hải quân tại khu vực; tổ chức tập trận chung về chống cướp biển, đảm bảo tự do hàng hải; tăng cường hợp tác chống khủng bố, an ninh mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân; chú trọng hợp tác chống tin giả.

Đảm bảo an ninh con người: Xác định y tế là một trong các trọng tâm hợp tác chính, ưu tiên hợp tác ứng phó đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng y tế tương lai; hỗ trợ trang thiết bị y tế và hỗ trợ các nước tiếp cận vaccine qua cơ chế COVAX; chú trọng hợp tác nghiên cứu để chống lại các bệnh truyền nhiễm, cải thiện khả năng tiếp cận thuốc và các phương pháp điều trị; tăng cường hợp tác chống ô nhiễm, hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Tiềm năng hợp tác giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực rộng lớn trải dài từ bờ biển phía đông của châu Phi đến các quốc đảo Thái Bình Dương, ngày càng có ý nghĩa chiến lược đối với châu Âu. Cùng nhau, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Châu Âu chiếm hơn 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu và hơn 60% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trao đổi thương mại giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu đạt 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Khu vực này là điểm đến lớn thứ hai của hàng xuất khẩu từ EU và 4 trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của EU nằm ở khu vực này. Khu vực có các tuyến đường thủy quan trọng đối với thương mại của EU, bao gồm eo biển Malacca, Biển Đông và eo biển Bab-el-Mandeb.

ASEAN, khu vực trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, sau Mỹ và Trung Quốc. Thương mại hai chiều năm 2020 của khu vực này đạt 190 tỷ USD và là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của ASEAN với tổng FDI năm ngoái đạt 10,5 tỷ USD.

Tuy EU - ASEAN chưa đạt thỏa thuận thương mại tự do FTA nhưng trong khu vực ASEAN, Việt Nam và Singapore là 2 nước đã có các FTA song phương với EU. Tính đến hết năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam EU đạt 55,39 tỷ USD. Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản) của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại thứ 17 của EU.

EU đang hướng tới ký kết các thỏa thuận thương mại với Australia và New Zealand, tiếp tục hướng tới một thỏa thuận với Indonesia cũng như Thỏa thuận Đối tác Kinh tế với cộng đồng Đông Phi. Vào tháng 5/2021, EU và Ấn Độ đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại. Nếu thành công, các hiệp định này sẽ nâng cao đáng kể mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa EU - Ấn Độ.

Theo vtv.vn