Thứ 4, 20/11/2024, 14:33[GMT+7]

Covid-19 thế giới 29/9: Ca mắc ở Campuchia tăng mạnh, WHO hé lộ về cuộc điều tra nguồn gốc virus thứ 2, kháng thể giảm nhanh hơn dự kiến sau tiêm

Thứ 4, 29/09/2021 | 15:36:27
802 lượt xem
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 233,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 4,78 triệu ca tử vong và hơn 210,3 triệu bệnh nhân bình phục.

Người dân tiêm vaccine tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 12/8.

Tình hình dịch Covid-19

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 426.569 ca nhiễm mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 105.633 ca, tiếp theo là Anh 34.526 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 28.892 ca, Ấn Độ 21.901 ca, Nga 21.559 ca,...

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Mỹ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với hơn 44 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 711.000 ca tử vong.

Ấn Độ có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, với 33,71 triệu ca, trong đó có gần 447.800 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 21,38 triệu ca nhiễm và hơn 595.500 ca tử vong.

Tại châu Âu, Anh và Nga có nhiều ca nhiễm nhất, hiện đều trên 7,4 triệu ca.

Trung tâm giám sát và ứng phó với dịch Covid-19 của Nga ngày 28/9 cho biết, nước này đã ghi nhận 852 ca tử vong trong 24 giờ qua, cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 205.531 ca.

Cũng trong ngày 28/9, nước này ghi nhận 21.559 ca mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 7.464.708. Số người đã bình phục là 6.635.485.

Thủ đô Moscow có kế hoạch siết chặt giám sát việc thực hiện quy định đeo khẩu trang tại các trung tâm mua sắm và nhà hàng, kèm với mức phạt nặng đối với những người không tuân thủ.

Romania cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 11.049 ca. Hiện nước này chỉ còn 26 giường trống trong khu điều trị tích cực và khó có thể bổ sung vì thiếu nhân viên y tế.

Đây cũng là nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), chỉ hơn 1/3 người trưởng thành ở nước này đã được tiêm.

Tại Đông Nam Á, các ca lây nhiễm Covid-19 cộng đồng ở Campuchia đang tăng nhanh, liên quan ổ dịch tại các ngôi chùa ở thủ đô Phnom Penh, cùng với đó là “điểm nóng” Covid-19 tại tỉnh Siem Reap chưa có dấu hiệu dịu đi.

Tính đến ngày 28/9, Campuchia ghi nhận tổng cộng 110.792 ca, trong đó 101.690 người đã khỏi bệnh và 2.287 người tử vong.

Sự lây lan rộng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các địa phương giáp biên giới Thái Lan, đặc biệt là sau khi biên giới Campuchia-Thái Lan mở cửa trở lại vào ngày 13/8, khiến lao động di cư ồ ạt từ Thái Lan về nước.

Ngày 28/9, chính phủ đề xuất chiến dịch hồi phục ngành du lịch với khẩu hiệu “Campuchia An toàn” nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế trong giai đoạn mở cửa trở lại và tương lai.

Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh, bất chấp các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng toàn cầu và sự bất ổn trong tương lai, Campuchia đã vạch ra những chiến lược then chốt kịp thời cùng nỗ lực tiêm chủng và tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn làm nền tảng cho việc từng bước tái mở cửa nền kinh tế và hoạt động xã hội trong “trạng thái bình thường mới”.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài hơn 21 tháng qua kể từ khi bùng phát vào tháng 12/2019, nhiều nước đang dần điều chỉnh cách tiếp cận. Thay vì xóa bỏ, các quốc gia dần chuyển sang sống chung an toàn với dịch Covid-19 thông qua chương trình tiêm chủng, nhằm bước vào trạng thái "bình thường mới" trong đời sống kinh tế, xã hội.

Tại Nhật Bản, chính phủ đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm đúng hạn là ngày 30/9.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 4/4, toàn bộ 47 địa phương của Nhật Bản không còn duy trì các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt và từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới, chung sống an toàn với dịch bệnh Covid-19, đồng thời chủ động sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm tiếp theo.

Theo Thủ tướng Suga Yoshihide, sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, người dân Nhật Bản vẫn phải nêu cao ý thức cảnh giác và thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người.

Từ ngày 27/9, bất cứ người dân nào cũng có thể mua bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên tại các hiệu thuốc để tự xét nghiệm nếu nghi ngờ đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ được duy trì đều đặn.

Tại Iran, Bộ trưởng Du lịch Ezzatollah Zarghami cho hay "việc cấp visa du lịch cho nhập cảnh qua đường bộ và đường hàng không sẽ được nối lại từ ngày 23/10", tuy nhiên, "không áp dụng với hoạt động đi lại tới hoặc từ các nước có nguy cơ cao theo danh sách được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố".

Vaccine và tiêm chủng

Công ty dược phẩm Shionogi của Nhật Bản cho biết, sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 dạng xịt mũi từ năm 2022.

Theo Shionogi, vaccine Covid-19 dạng xịt có điểm tiện ích hơn so với dạng tiêm là dễ sử dụng tại các khu vực có hệ thống y tế chưa đầy đủ, việc đảm bảo nhân viên y tế có kỹ thuật tiêm chủng gặp khó khăn.

Ngoài vaccine Covid-19 dạng xịt, công ty này hiện đang phát triển vaccine ngừa Covid dạng tiêm và thuốc điều trị Covid-19 đường uống.

Ngày 28/9, Pfizer/BioNTech cho biết, họ đã bắt đầu đệ trình dữ liệu lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine Covid-19 của hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Trong khi đó, về hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19, cùng ngày, Đài truyền hình Thụy Điển đưa tin, theo nghiên cứu của các nhân viên tại một bệnh viện ở Stockholm, mức kháng thể sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 giảm nhanh hơn nhiều so mức dự kiến trước đây.

7 tháng sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai, số lượng kháng thể đã giảm 85% ở những người đã được chủng ngừa bằng vaccine của hãng Pfizer, những người này chưa nhiễm virus SARS-CoV-2 trước khi tiêm vaccine.

Tuy nhiên, quá trình sụt giảm kháng thể chậm hơn đáng kể ở những người đã từng mắc bệnh trước khi tiêm vaccine.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thấy rằng, kháng thể ở những người được tiêm vaccine của hãng AstraZeneca thậm chí còn giảm nhiều hơn nữa. Điều đáng ngạc nhiên là kháng thể giảm đáng kể ở nhóm người tương đối trẻ và khỏe mạnh.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên hơn 2.000 nhân viên bệnh viện, trong khi những phát hiện mới nhất dựa trên một nhóm nhỏ gồm hơn 460 nhân viên trong số đó.

Liên quan việc phân phối vaccine, cùng ngày 28/9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã hối thúc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ (IP) đối với vaccine ngừa Covid-19 nhằm thu hẹp khoảng cách lớn về tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới.

Cũng trong ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ông kỳ vọng tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ cộng tác trong giai đoạn thứ 2 của cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19.

Ông Ghebreyesus bày tỏ hy vọng rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra sẽ bắt đầu diễn ra sớm nhất có thể.

Theo Baoquocte.vn