Thứ 3, 19/11/2024, 19:20[GMT+7]

Các quốc gia mạnh nhất thế giới thuộc nhóm P5 cam kết tránh chiến tranh hạt nhân

Thứ 4, 05/01/2022 | 10:05:00
1,078 lượt xem
Năm quốc gia gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định phản đối việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân cho các mục đích tấn công.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, năm nước trên cam kết sẽ cùng nhau giải trừ vũ khí hạt nhân.

Thông cáo được công bố vào ngày 3/1 viết: "Chúng tôi khẳng định rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ được tiến hành vì việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng. Chúng tôi cũng khẳng định, vũ khí hạt nhân, chừng nào chúng còn tồn tại, phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và ngăn chặn chiến tranh".

Các quốc gia tham gia tuyên bố chung cho biết, họ sẽ tiếp tục tuân thủ "các thỏa thuận và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí song phương và đa phương", đồng thời tuyên bố rằng, không có vũ khí hạt nhân nào của họ nhằm vào nhau hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.

Năm cường quốc hạt nhân gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ, được gọi là nhóm P5, không phải là những quốc gia duy nhất trên thế giới có vũ khí hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu loại vũ khí này, trong khi Israel được cho là có kho vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cũng đã thử nghiệm một số thiết bị hạt nhân.

Các quốc gia mạnh nhất thế giới thuộc nhóm P5 cam kết tránh chiến tranh hạt nhân - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo RS-24 Yars của Nga tại Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng kỷ niệm 75 năm ngày phát xít Đức bị đánh bại ở Moscow, Nga. (Ảnh: AP)

Tuyên bố trong ngày 3/1 được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa một số nước trong nhóm P5 đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Nga và Mỹ từ lâu đã tranh cãi về việc bố trí các vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu. Gần đây, các nhà lập pháp ở Washington cáo buộc, Moscow lên kế hoạch "xâm lược" Ukraine, một tuyên bố đã bị Điện Kremlin bác bỏ.

Trước các cuộc đàm phán giữa NATO và Nga, Mỹ chưa cho biết họ sẽ dỡ bỏ vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ châu Âu. Nhằm giải quyết căng thẳng, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đề nghị, Belarus có thể sử dụng tên lửa của Nga để đáp trả.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ tuyên bố rằng, Trung Quốc đang gia tăng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Trung Quốc đáp lại rằng, Washington "coi thường sự thật". Bắc Kinh cho biết, nước này có chính sách "Không sử dụng lần đầu" (không sử dụng vũ khí hạt nhân làm phương tiện chiến tranh trừ khi bị kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công trước), đồng thời nói thêm rằng, "sẽ không có quốc gia nào bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân của Trung Quốc".

Đồng thời, vào năm 2021, Mỹ, Anh và Australia đã làm trung gian cho một hiệp ước mang tên AUKUS nhằm trang bị cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng được trang bị vũ khí thông thường. Do đó, Australia đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm diesel - điện trị giá hàng tỷ USD với Pháp. Paris cho rằng, hành động này là một "cú đâm sau lưng".


Theo vtv.vn