Khi Trung Quốc khiến các nước lo ngại
ASEAN
Tranh chấp tại Biển Đông đang là vấn đề nổi lên giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Các vụ việc trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc luôn hành động đơn phương dù vẫn tuyên bố theo đuổi đàm phán hòa bình. Trung Quốc coi tranh chấp tại Biển Đông là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với nước này, vì nhiều lý do. Trong những tháng qua, Trung Quốc đã làm cho tình hình căng thẳng.
Kiểu hành xử này đi ngược với lời trấn an của Bắc Kinh về một sự “trỗi dậy hòa bình” và làm tiêu tan mọi thiện ý.
Các nước trong khu vực đang cố gắng giảm độ gay gắt của vấn đề. Sự gia tăng các vụ việc va chạm trên Biển Đông đã cho thấy rõ tầm quan trọng của việc ASEAN và Trung Quốc ngay lập tức phải xác định được phương cách triển khai Tuyên bố của các bên về qui tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) đã được hai bên ký kết năm 2002, với hy vọng tất cả các nguyên tắc đã được nhất trí có thể được triển khai đầy đủ. Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Indonesia đã có những bước đi chủ động.
Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới với sự có tham gia lần đầu tiên của Mỹ. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ giúp ASEAN có thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, buộc Trung Quốc phải tuân thủ theo những ký kết của mình.
Nhưng theo giới quan sát, những hành động gần đây Trung Quốc thực sự đang buộc các láng giềng phải tìm kiếm một đối trọng để cân bằng với thế lực ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Các nước Đông Nam Á không chấp nhận thua và để mất chủ quyền đối với các vùng biển kề cận lãnh thổ quốc gia. Quốc tế hóa, kể cả việc khuyến khích sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, là một cách để các quốc gia này bảo vệ lợi ích của mình.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia phân tích: “Vấn đề Biển Đông đã khiến nhiều nước Đông Nam Á thúc ép Mỹ duy trì cam kết tại Đông Nam Á”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “Đông Nam Á muốn Mỹ ủng hộ, nhưng lại không muốn Mỹ làm phức tạp thêm vấn đề hoặc có những hành động cô lập Trung Quốc và buộc họ phải lựa chọn đứng về bên nào”.
Nhóm “sức mạnh châu Á”
Chính những câu hỏi về an ninh và chiến lược nảy sinh do sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đưa các nước xung quanh Bắc Kinh lại gần nhau hơn. Thậm chí có ý kiến cho rằng đang hình thành một tập hợp “âm thầm kháng cự lại Bắc Kinh” - đoàn kết bởi một vấn đề chung là tất cả cảm thấy cần tiếp tục can dự sâu sắc với Trung Quốc. Và dù không phải là một tổ chức chính thức, nó cũng đã được đặt cho cái tên “những sức mạnh châu Á xung quanh Trung Quốc”, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia.
Ấn Độ hiện rất lo lắng về việc hải quân Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương nhằm thực hiện chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” đối với các cảng biển trên thế giới. Ấn Độ cũng đang ngày càng tích cực thực hiện tham vọng biển khơi.
Trong hai thập niên tới, New Delhi sẽ chi gần 50 tỷ USD cho việc thiết lập dàn tàu chiến hơn 100 chiếc. Có lẽ chính quyền New Delhi sẽ vươn từ vị trí có lực lượng hải quân lớn thứ năm trên thế giới lên vị trí thứ ba. Nước này đã có các tàu chiến vươn tới tận eo biển Mozambique về phía tây nam Ấn Độ và cả ở Biển Đông về phía đông nam. Ấn Độ còn đang ra sức tăng cường lực lượng không quân của nước này.
Tháng 9 năm ngoái, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản căng thẳng do vụ tranh chấp chủ quyền ở vùng quần đảo Senkaku - Điếu Ngư tại Biển Đông Bắc. “Báo cáo Chiến lược An ninh Trung Quốc" do Trung tâm Nghiên cứu Phòng vệ Nhật Bản công bố mới đây đã lấy vụ va chạm tàu giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở khu vực biển đảo này năm 2010 làm bối cảnh, nhấn mạnh tới việc Trung Quốc trong những năm gần đây đã phát triển sức mạnh quân sự mạnh mẽ, tạo thành mối uy hiếp đối với hệ thống bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ.
Báo cáo còn chỉ ra rằng Trung Quốc đang không ngừng mở rộng phạm vi thế lực của mình cả trong vấn đề lãnh thổ lẫn trên phương diện vũ trụ và quyền lợi biển. Báo cáo nhấn mạnh lợi ích quốc gia có được từ việc kinh tế phát triển được mở rộng chính là bối cảnh để Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.
Trong khi đó, từ Canbera, Thủ tướng Australia Julia Gillard đã củng cố mối quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc, làm gia tăng lo lắng của Bắc Kinh về những mạng lưới an ninh mới liên quan đến Mỹ đang nổi lên xung quanh các đường biên giới của Trung Quốc.
Theo Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Viện Lowy, Andrew Shearer, cuộc thăm dò mới đây cho thấy người Australia ngày càng nhận thức rõ về sự nổi lên của Trung Quốc. Cách ứng xử của Bắc Kinh đã khiến cho Australia lo ngại hơn về những tác động địa chính trị từ sự nổi lên của nước này.
Mỹ và Nga
Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc về kinh tế, tài chính và quân sự. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tận dụng thực tế là thời gian qua Mỹ vướng bận với hoạt động tại Afghanistan và Iraq nên phần nào giảm chú ý đến Đông Nam Á. Kết quả là Trung Quốc đã thành công mở mang tiếp xúc quân sự ngay cả với những đồng minh truyền thống của Mỹ như Thái Lan, hay với Indonesia - đối với người Mỹ cho đến nay vẫn là một trong những ưu tiên chính trị quân sự nặng ký.
“Mỹ không chỉ bảo lưu mà còn thực hiện những bước đi để mở rộng sự hiện diện quân sự đáng kể của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phải trấn an đồng minh ở châu Á khi phát biểutại Singapore hồi đầu tháng, trong diễn đàn thường niên lần thứ 10 về an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Đối thoại ở Shangri-La).
Tiến sĩ Sam Bateman thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Australia về An ninh và Tài nguyên Biển, Đại học Wollongong, cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Gates đã gửi đi một số thông điệp ngầm cho phía Trung Quốc. Ông Gates còn hứa hẹn rằng trong những năm tới, các tàu chiến Mỹ sẽ ghé thăm các hải cảng và tham gia tập trận với nhiều nước trong khu vực một cách thường xuyên hơn. “Động thái đó hẳn chẳng khiến Bắc Kinh thích thú”, ông Bateman nói.
Trên thực tế, việc chia sẻ các căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương với hải quân Australia, đưa thêm tàu chiến cao tốc tới Singapore, đưa ra kế hoạch đầu tư máy bay tàng hình, máy bay trinh sát không người lái, tàu chiến và các phương tiện chiến tranh không gian và tin học, đã phần nào cho thấy Mỹ tôn trọng lời hứa với các đồng minh ở châu Á.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, hải quân Mỹ đã đưa một khu trục hạm tới vùng biển Sulu, phía tây nam Philippines, “để thẩm định việc thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải ở những vùng biển này” và vừa điều hàng không mẫu hạm USS George Washington tới khu vực Biển Đông “tham gia một cuộc tuần tra đa quốc gia tại vùng Tây Thái Bình Dương”.
Hiện nay, có rất nhiều quốc gia châu Á - trong đó có cả Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia và Mông Cổ - trông đợi Mỹ gia tăng sự hiện diện hoặc đẩy mạnh hợp tác.
Theo giới quan sát, Mỹ cho rằng điều hiển nhiên là châu Á-Thái Bình Dương có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển thương mại và thịnh vượng về kinh tế; Sự hiện diện về quân sự của Mỹ sẽ hỗ trợ đắc lực cho hòa bình và ổn định trong khu vực, kể cả trong lĩnh vực răn đe và trợ giúp nhân đạo. Còn phía Bắc Kinh, như lời ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc, cho rằng: “Chính sách Biển Đông hiện nay của Mỹ trước hết là nhằm kiểm soát Trung Quốc”.
Trong khi đó, Nga đang trở thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng đối với những vấn đề an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Nga đang ngày càng tập trung vào việc thiết lập dấu ấn chiến lược của Nga ở châu Á, đặc biệt trong tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu và kinh tế Trung Quốc đang lên.
Tuy trong quan hệ hai nước hiện nay, lợi ích lớn hơn tranh chấp, nhưng cùng với việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, Nga sẽ thay đổi như thế nào trong chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc vẫn rất khó nói. Trước mắt, một sĩ quan quân đội cao cấp ở Mátxcơva đã khẳng định Nga liên tục giám sát những tiến triển quốc phòng của Trung Quốc.
Theo Dân Trí
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật