Thứ 7, 09/11/2024, 22:19[GMT+7]

NATO, Mỹ, Nga vẫn giằng co về lá chắn tên lửa

Thứ 6, 25/11/2011 | 15:48:27
1,430 lượt xem
NATO và Mỹ nói họ sẽ tiếp tục các vòng tham vấn với Moscow để chứng minh rằng dự án lá chắn tên lửa châu Âu không gây ra mối đe doạ nào tới các khả năng hạt nhân chiến lược của Nga.

Kế hoạc lá chắn tên lửa gây nhiều tranh cãi

Tuyên bố này của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Medvedev, trong cuộc trả lời phỏng vấn được truyền trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Nga vào hôm 23/11, nói rằng Nga sẽ đưa ra một loạt các biện pháp thích đáng nếu các cuộc nói chuyện về hệ thống phòng thủ tên lửa giữa Moscow và Washington không đem lại kết quả nào, bao gồm việc triển khai “hệ thống vũ khí phòng vệ tối tân” tại phía tây và phía nam nước Nga nhằm mục tiêu vào từng phần trong mạng lưới phòng thủ tên lửa châu Âu.

Các biện pháp quân sự khác được đề ra bao gồm việc đặt hệ thống rađa cảnh báo sớm tại lãnh thổ Kalinigrad thuộc Nga, bảo vệ tăng cường các cơ sở đánh chặn hạt nhân chung quanh nước Nga.

Trong một thông cáo được phát đi, Tổng thư ký NATO nói: “Việc hợp tác hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ chỉ ra rõ ràng rằng NATO và Nga có thể cùng nhau xây dựng an ninh, chứ không phải chống lại nhau”.

“Năm ngoái, những người đứng đầu quốc gia và chính phủ trong NATO đã quyết định mời Nga thảo luận về các khả năng hợp tác với chúng tôi và để phát triển mối quan hệ NATO-Nga thành mối quan hệ đối tác chiến lược”. “Đề nghị đó vẫn còn nguyên vẹn”, ông Rasmussen nói.

Tổng thư ký NATO Rasmussen nói thêm rằng việc hợp tác trong vấn đề này sẽ cho phép các bên giải quyết những mối đe doạ mới cũng như những mối nghi kị cũ, đồng thời sẽ cho thấy rằng, hợp tác chứ không phải đối đầu sẽ là con đường phía trước.

Phát ngôn viên phó của Bộ Ngoại giao Mỹ, Mark Toner cũng nhắc lại rằng cam kết và trọng tâm của Mỹ là duy trì việc làm thế nào để hợp tác có hiệu quả và mang tính xây dựng với Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ông Toner cũng đề cập tới các biện pháp mà Tổng thống Nga đã đưa ra như Nga có thể sẽ giảm các nỗ lực kiểm soát vũ khí và giải trừ hạt nhân, trong đó có cả sự tham gia vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START với Mỹ.

Ông Toner nói: “Hiệp ước START mới đem lại lợi ích an ninh và ổn định cho cả hai nước, việc thực hiện hiệp ước này đang tiến hành tốt, chúng tôi thấy không có cơ sở để rút khỏi hiệp ước này”.

Tổng thống Nga sẽ có bài phát biểu trước cuộc họp cấp bộ trưởng NATO tại Brussels vào ngày 7và 8-12 tới đây.

Mỹ và NATO dự kiến sẽ đặt các bộ phận của lá chắn tên lửa tại Ba Lan và Romania. Liên minh này đã bỏ qua những quan ngại của Nga chung quanh lá chắn này, nói rằng họ cần có hệ thống này để đối phó với các quốc gia “cứng đầu” như Iran.

Trong khi đó, Moscow cần có các bảo đảm pháp lý và văn bản rằng lá chắn này sẽ không trực tiếp chống lại Nga, song Washington vẫn từ chối có các bảo đảm bằng văn bản.

Nga và NATO đã thoả thuận hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hội nghị thượng đỉnh Lisbon hồi tháng 11-2010, tuy nhiên những khác biệt trong cách tiếp cận dự án này đã dẫn tới bế tắc trong các cuộc đàm phán.

Mặc dù Tổng thống Nga Medvedev tái khẳng định quan điểm phản đối của Nga về việc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chung, nhưng ông cũng nói rằng sẽ không tham gia vào một dự án đi ngược lại với lợi ích của đất nước

Theo Nhân dân

  • Từ khóa