Chủ nhật, 10/11/2024, 05:50[GMT+7]

Cải cách hành chính: Đột phá thúc đẩy tăng trưởng

Thứ 4, 25/11/2020 | 09:24:44
3,503 lượt xem
Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của các cấp, các ngành, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực trong công tác CCHC, từng bước xóa bỏ những thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, chồng chéo, không phù hợp.

Sản xuất trà thảo dược của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng từng bước đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện giao dịch nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là đơn vị có nhiều TTHC liên quan nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Kể từ khi thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. 

Ông Phạm Văn Tân, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Châu Sơn (Quỳnh Phụ) cho biết: Tôi kinh doanh lĩnh vực bảo vệ thực vật từ nhiều năm nay. Trước đây, mỗi khi cần xin cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, tôi thường phải lên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Từ ngày Chi cục điện tử hóa thủ tục này, mọi thao tác từ hồ sơ đến thanh toán tôi đều thực hiện trực tuyến. Cách làm này giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian đi lại làm giấy tờ, chờ đợi lấy kết quả. Đồng thời, có thể dễ dàng nộp thủ tục trực tuyến; tra cứu, theo dõi hồ sơ từ lúc nộp cho đến các tiến trình hồ sơ đi đến đâu, giải quyết như thế nào và có thể thanh toán phí trực tuyến.

Đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cập nhật, công khai 17 TTHC thuộc phạm vi quản lý, thực hiện cung cấp trực tuyến, trong đó 6 thủ tục mức độ 4, 6 thủ tục mức độ 3 và 5 thủ tục mức độ 2. 

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Từng khâu từ ngày nộp hồ sơ, ai xử lý, được hay không, các lý do như thế nào... đều được thể hiện rõ ràng, minh bạch. Chúng tôi có thể kiểm soát được ngay ở bất cứ chỗ nào; đồng thời tiện lợi cho quá trình thống kê, kiểm tra. Giải quyết TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh vừa giảm thời gian vừa giảm chi phí, tránh những phiền hà, nhũng nhiễu.

Tạo đột phá về cải cách TTHC, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố bộ TTHC thuộc thẩm quyền theo hướng đơn giản, rút gọn quy trình, thuận tiện trong nộp hồ sơ, nhận kết quả, cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện. Đồng thời, thường xuyên rà soát hệ thống TTHC, đánh giá mức độ phù hợp của mỗi thủ tục nhằm đưa ra áp dụng chung tại bộ phận một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Đến nay, toàn ngành đã chuẩn hóa và công khai 88 TTHC; thực hiện 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 100% TTHC thực hiện theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, thái độ, tác phong làm việc của cán bộ, công chức được nâng cao, được các tổ chức, cá nhân đánh giá tốt. Cùng với đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, ngành luôn làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa các văn bản, quy định của nhà nước, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong chính sách, pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn, bảo đảm việc triển khai thực hiện thông suốt, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên, kịp thời cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, rà soát, bổ sung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phục vụ công tác CCHC ở đơn vị.

Xác định con người là yếu tố quyết định cải cách TTHC, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, cơ cấu tổ chức ngành Nông nghiệp đã được tinh giản gọn nhẹ, thống nhất về tổ chức, đổi mới về nội dung, phạm vi, hình thức quản lý. Vị trí, vai trò của cơ quan chuyên môn được xác định đầy đủ, rõ ràng hơn. Các lĩnh vực quản lý được quy định cụ thể, chặt chẽ, khắc phục những quy định mang tính hình thức, chồng chéo giữa các đơn vị. Sở cũng đã chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ ở những đơn vị sáp nhập, bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức đều có việc làm, không ảnh hưởng, xáo trộn đến chuyên môn.

Triển khai dự án khu công nghiệp Thaco - Thái Bình.

Từ những nỗ lực trong cải cách TTHC, ngành Nông nghiệp đã góp phần quan trọng thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp đăng ký thành lập có ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực nông nghiệp ngày một tăng.

Chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nông sản sạch, công nghệ cao, hình thành các tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đáp ứng yêu cầu đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, rà soát tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp; từng bước giải quyết khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, phòng, chống lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh... Đồng thời, thực hiện nghiêm việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo đúng nội dung bộ TTHC đã công bố, bảo đảm về chất lượng, tiến độ. Tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động, công tác CCHC tại các đơn vị trực thuộc, đánh giá, hướng dẫn, khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ kịp thời nhu cầu chính đáng của tổ chức, công dân, doanh nghiệp.

Ngân Huyền