Thứ 7, 09/11/2024, 22:31[GMT+7]

Tỷ lệ cấp đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đang ở mức thấp

Thứ 3, 10/05/2022 | 08:22:02
16,610 lượt xem
Từ ngày 1/1/2022 đến nay, chỉ có 20 giấy phép lái xe đăng ký và trả kết quả thành công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Tổng cục Đường bộ VN vừa báo cáo Bộ GTVT về kết quả triển khai mở rộng dịch vụ công nghệ thông tin mức độ 4 đổi giấy phép lái xe (GPLX) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Theo đó, cơ quan này đã triển khai mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại 12 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nam, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn.

Kết quả, từ ngày 27/9/2021 đến ngày 31/12/2021, trong số 12 Sở GTVT triển khai dịch vụ, có 4 Sở GTVT chưa có hồ sơ đăng ký thành công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Quảng Ninh.

Có 8 Sở GTVT đã tiếp nhận và trả 131 GPLX đăng ký thành công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, từ ngày 1/1/2022 đến nay, có 20 GPLX đăng ký và trả kết quả thành công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Nguyên nhân chưa có hồ sơ đăng ký thành công hoặc số lượng hồ sơ đăng ký thành công thấp là do thiếu dữ liệu về giấy khám sức khỏe.

Cụ thể, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử phục vụ đổi GPLX, công dân phải thực hiện 2 bước là thực hiện khám sức khỏe tại cơ sở y tế. Tiếp đó đến UBND cấp xã thực hiện chứng thực điện tử, được trả kết quả trong thời gian 5 ngày làm việc và mất thêm phí chứng thực. Do phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí nên số người sử dụng dịch vụ này còn hạn chế.

Bên cạnh đó, để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, người dân phải thực hiện nhiều thao tác như: truy cập, đăng ký tài khoản, nhận mã xác thực, sau đó mới đăng nhập vào tài khoản. Do việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số người còn hạn chế, nên phần lớn số hồ sơ đăng ký thành công phải có hướng dẫn và trợ giúp của công chức làm việc tại bộ phận một cửa thuộc Sở GTVT.

Ngoài ra cũng có trường hợp người dân không đăng ký được tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia do số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân khi đăng ký tài khoản không trùng với số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân khi đăng ký sử dụng điện thoại di động, khi đi khám sức khỏe, khi cấp GPLX.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ, việc yêu cầu người dân phải có tài khoản ngân hàng thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, việc hoàn trả lại tiền khi đăng ký không thành công chậm cũng là những hạn chế đối với người dân sử dụng dịch vụ.

Từ thực tế trên, Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT đề nghị với Bộ Y tế thực hiện kết nối dữ liệu khám sức khỏe với Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc tích hợp vào cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư để các Sở GTVT tra cứu.

Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Bộ Công an thực hiện tích hợp CSDL tước quyền sử dụng GPLX hoặc GPLX bị tạm giữ vào CSDL Quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, kiến nghị Văn phòng Chính phủ giảm bớt thủ tục đăng ký và truy cập tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trên cơ sở sử dụng CSDL Quốc gia về dân cư, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ.

Theo vtv.vn