Thứ 7, 23/11/2024, 10:14[GMT+7]

Đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực tư pháp

Thứ 2, 28/08/2023 | 09:19:36
5,745 lượt xem
Hướng tới mục tiêu xây dựng ngành ngày càng trong sạch, vững mạnh, hiện đại, ngành tư pháp Thái Bình triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với cải cách tư pháp, tạo chuyển biến tích cực trong thực thi công vụ, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Người dân tiếp cận thông tin thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp tại UBND thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ).

Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, ngành tư pháp đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung, thời gian, tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao, cải cách chế độ công vụ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số... đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành và phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) được lồng ghép với phong trào thi đua của ngành, đồng thời lấy kết quả CCHC là một trong những tiêu chí xét thi đua, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân hàng năm. Bên cạnh việc chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, Sở Tư pháp luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. Công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, cải cách TTHC được tập trung nâng cao chất lượng. 

Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc niêm yết công khai, đầy đủ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, bảo đảm tốt việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Toàn ngành đã đẩy mạnh ứng dụng, cập nhật các phần mềm phục vụ hoạt động quản lý, xử lý nghiệp vụ, phần mềm một cửa liên thông... trong theo dõi quá trình tiếp nhận, xác minh, luân chuyển, giải quyết và trả kết quả sớm nhất cho tổ chức, cá nhân. 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử công vụ nên đã rút ngắn thời gian, giảm tỷ lệ chậm hạn, tăng hiệu quả chính xác của công việc, góp phần chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa việc giải quyết TTHC. Địa chỉ tiếp nhận, xử lý các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết TTHC được niêm yết công khai, bảo đảm đúng quy định, phục vụ tốt tổ chức, cá nhân, qua đó kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. 

Ông Mạnh Đình Thịnh, xã Thụy Văn (Thái Thụy) chia sẻ: Khi trực tiếp giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực tư pháp, tôi và nhiều người dân địa phương cảm thấy sự thay đổi rõ nét và tích cực. Thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho người dân. Cán bộ, công chức, viên chức được phân công đảm nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả là người có năng lực chuyên môn tốt, tận tâm với công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, thái độ lịch sự.

Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 7, công tác CCHC của Sở Tư pháp được triển khai toàn diện, công tác thể chế tiếp tục được tăng cường giúp HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa quy định của trung ương giao trong phạm vi địa phương thông qua công tác thẩm định, tham gia ý kiến, thực hiện thẩm định trên 200 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ngành đã tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 5.000 đại biểu, đăng tải gần 200 tin, bài về lĩnh vực tư pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Tư pháp đang thực hiện cung cấp trực tuyến 67 dịch vụ công toàn trình, 118 dịch vụ công một phần. Đến ngày 31/7, đơn vị đã tiếp nhận 15.302 hồ sơ TTHC, trong đó đã giải quyết 13.491 hồ sơ, số hồ sơ còn lại đang giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Ông Trần Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực hành chính tư pháp tại cơ sở, triển khai hiệu quả kế hoạch rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC lĩnh vực tư pháp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, hướng tới xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tại địa phương. Cùng với đó, triển khai hiệu quả phần mềm ứng dụng trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Duy trì vận hành hiệu quả cổng thông tin điện tử của đơn vị bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách, pháp luật mới về CCHC, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đơn giản hóa bảo đảm giải quyết TTHC chuẩn hóa, nhanh gọn, hiệu quả, đúng quy định.

Trịnh Cường