Chủ nhật, 10/11/2024, 14:38[GMT+7]

Đôi điều về rắn và rượu rắn

Thứ 2, 27/06/2022 | 08:13:32
88,282 lượt xem
thuốc có nguồn gốc động vật, thịt rắn có vị ngọt, tính ôn. Mật rắn vị hơi đắng có tác dụng để giảm đau, giảm ho và chống viêm.

1. RẮN

- Rắn, đông y gọi chung là xà. Rắn có nhiều loại khác nhau, loại rắn lành (như rắn liu điu, rắn hoa cỏ, rắn nước, rắn ráo... những rắn này không có nọc độc, nếu cắn thì chỉ gây ngứa chỗ vết cắn một chút và không nguy hiểm chết người) và loại rắn độc (như rắn hổ mang bành, rắn cạp nong, cạp nia, rắn dọc dưa, hổ mang chì, rắn lục..., những rắn này có nọc độc, rắn cắn rất nguy hiểm, nếu không cứu chữa kịp thời có thể gây chết người).

- Rắn hầu hết đều mang tính âm vì chúng đều chui luồn trong hang tối, sát mặt đất, trừ một số loại như rắn ráo, rắn lục sống trên cây thì mang tính dương nhiều hơn.

- Rắn tuy có nọc độc nhưng khi ngâm lâu trong rượu mạnh 40 - 45 độ cồn thì nọc rắn sẽ bị phân hủy làm giảm cơ bản độ độc, không gây nguy hiểm khi uống rượu rắn.

- Một số trường hợp hy hữu khi ngâm rắn toàn tính (ngâm cả con trong bình rượu mà không mổ bỏ ruột) ngâm lâu ngày mà rắn vẫn có thể cắn chết người. Bởi lẽ ngâm nguyên con rắn trong bình rượu đổ không ngập hết vẫn còn không khí, hoặc nắp đậy không kín hoàn toàn, con rắn sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, nó chuyển sang trạng thái ngủ đông và khi gặp điều kiện thay đổi, đặc biệt là nhiệt độ và ánh sáng, rắn bị kích thích sống trở lại, nọc độc vẫn còn nguyên, nếu cắn vẫn gây nguy hiểm chết người.
Theo đông y, rắn được coi là một vị thuốc có nguồn gốc động vật, thịt rắn có vị ngọt, tính ôn. Mật rắn vị hơi đắng có tác dụng để giảm đau, giảm ho và chống viêm.

2. RƯỢU RẮN VÀ CÁCH NGÂM

Rượu rắn

- Tại sao lại ngâm rượu rắn theo bộ tam xà, bộ ngũ xà?
Theo đông y, cơ thể gồm có ngũ tạng và lục phủ, trong đó phủ tam tiêu lại chia ra ba phần gồm thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu. Đông y cũng cho rằng con  rắn ráo lanh lợi, sống trên cao được quy kinh chữa bệnh vào bộ thượng tiêu, con rắn hổ mang sống chủ yếu trên tầm mặt đất, được  quy kinh chữa bệnh vào bộ trung tiêu, còn con rắn cạp nong sống trong hang tối, thấp được quy kinh chữa bệnh vào hạ tiêu. Vì vậy bộ rượu rắn cơ bản đó là bộ tam xà.

- Kinh nghiệm ngâm rượu rắn, nếu có điều kiện thường kết hợp thêm 2 con nữa, con rắn cạp nia bổ sung tăng cường cho chữa bệnh đau thần kinh, cơ, xương khớp và con rắn rọc dưa hoặc con rắn hổ trâu, bổ sung tăng cường cho chữa bệnh khử thải độc, chống dị ứng. Đó chính là bộ ngũ xà.

Cách ngâm rượu rắn

Rắn đập chết đem mổ bụng, lấy bỏ hết ruột và mỡ trong bụng, giữ lại mật rắn rồi bỏ rắn vào chậu sành, giã nát vài củ gừng tươi cho vào chậu rồi đổ vào 1 lít rượu mạnh, rửa thật sạch rồi vớt rắn vào rổ để cho ráo nước, sau đó cuộn rắn vào bình thủy tinh rồi đổ 5 - 7 lít rượu 40 - 45 độ cồn, nhớ cho cả mật rắn vào bình (tuyệt đối không rửa nước lã sẽ rất tanh). Đậy nắp rồi lấy túi nilon bum kín miệng và buộc chặt, để nơi kín, mát, sau 6 tháng thì dùng được.

3. TÁC DỤNG VÀ CÁCH DÙNG RƯỢU RẮN

Rượu rắn chữa bệnh gì?

- Đông y coi rượu rắn là một vị thuốc bổ có công dụng chữa những bệnh phong tê thấp, bệnh thần kinh đau, tê, nhức, mỏi. Rượu rắn chủ yếu dùng để chữa chứng đau nhức cơ xương khớp (thấp khớp), đổ mồ hôi chân tay. Người cao tuổi, người lao động nhiều, gặp thời tiết thay đổi thường thấy đau mỏi cơ xương khớp, uống rượu rắn sẽ có tác dụng tốt. Tuy nhiên, rượu rắn chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau, chứ không điều trị triệt để bệnh.

- Có nhiều người chưa hiểu sâu sắc về rượu rắn, hay đồn thổi rằng uống rượu rắn giúp bổ dương, tăng cường sinh lý nhưng đây là quan niệm không chính xác. Trong các tài liệu y dược không nói tới tác dụng “bổ thận tráng dương” giúp tăng cường sinh lý của rượu rắn. Mà theo đông y thì rắn thuộc âm, mà nếu dùng nhiều thì chỉ có âm thịnh chứ dương không thịnh, mà âm quá thịnh thì dương lại suy, âm dương sẽ bất hòa chứ không có lợi cho dương.

Trên thực tế, những người còn trong độ tuổi sinh đẻ không nên uống rượu rắn. Đặc biệt, đối với những người có bệnh nội khoa, nhất là các bệnh suy thận, tăng huyết áp, bệnh gan, tim mạch không nên sử dụng rượu rắn và thịt rắn vì trong rượu rắn vẫn còn có một hàm lượng độc tố nhỏ, không có lợi cho sức khỏe.

Lý giải nguyên nhân uống rượu rắn cải thiện được chuyện vợ chồng trong thời gian đầu sử dụng, các chuyên gia cho biết rượu rắn có nhiều protein và vốn chứa cồn, khi uống vào cơ thể sẽ tăng cảm giác, kích thích nhất thời, do vậy tưởng như là khỏe. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ có trong một thời gian ngắn còn về lâu dài uống nhiều rượu rắn sẽ làm giảm sinh thú.
Nói như trên không phải rượu rắn không có công dụng mà công dụng của nó tùy vào từng trường hợp cụ thể. Nếu lạm dụng nó, sử dụng nhằm tăng cường sinh lý nam giới thì các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng.

Cách dùng rượu rắn

- Những người đã qua tuổi sinh đẻ nếu mắc các bệnh phong tê thấp, bệnh thần kinh đau, tê, nhức, mỏi, đau nhức cơ xương khớp (thấp khớp), đổ mồ hôi chân tay, đặc biệt là hay gặp phải khi thay đổi thời tiết, uống rượu rắn sẽ có tác dụng tốt.

- Mỗi buổi tối uống 1 cốc rượu rắn khoảng 50ml trong bữa tối

- Chỉ nên dùng 7 - 10 ngày những đợt có đau mỏi, không nên dùng liên tục dài ngày.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày