Thứ 7, 09/11/2024, 22:27[GMT+7]

Đến mệt vì “Cỏ gấu”

Chủ nhật, 25/08/2024 | 23:10:39
1,684 lượt xem

Cỏ gấu, còn gọi là cây Hương phụ. Ảnh minh họa

Dân than phiền! 

Quái lạ cho cái giống “Cỏ gấu”, sao mà nó tác oai tác quái đến lạ kỳ. Cứ ở đâu có tí màu tí mỡ, tí nắng, tí nước là chúng xuất hiện. Từ đất chua, đất mặn đến đất cát, đất sa, đất gan gà pha lẫn sỏi đá, chúng đều xơi tuốt tuồn tuột. Đặc biệt là “Cỏ gấu” không từ bất kỳ mảnh ruộng, thửa vườn hay cánh rừng nào, kể cả diện tích rộng hẹp, vuông tròn hay chéo méo, xen kẹp, chúng chẳng nề hà gì mà không xuất hiện, sinh con đẻ nhánh chằng chịt, xâm lấn rồi lên xanh mơn mởn. 

“Củ gấu”, theo đông y gọi là vị thuốc Hương phụ, tuy có chút giá trị chữa bệnh (cho phụ nữ là chính), nhưng so với tác hại và sự phá hoại của chúng thì không biết đường nào mà kể xiết. Chỉ cần vài ngày, vài tuần hoặc cùng lắm là vài tháng thì cỏ gấu đã đẻ ra ngũ - lục - thất - bát - cửu - thập... đời rồi. Củ mẹ đẻ ra củ con, củ con đẻ ra củ cháu, chắt, chút, chít... cứ tầng tầng lớp lớp mà mọc đan vào nhau. Ở dưới thì củ đẻ ra củ, ở trên thì ra hoa kết trái, xõa chùm, rơi hạt, mọc lên dày đặc, xanh rì như gieo mạ. 

“Cỏ gấu” mọc chen hết các cây rau màu, xâm lấn ăn cùn ăn cụt màu mỡ của cây cối gieo trồng cũng như cây cối mọc tự nhiên. 

Trời đất ơi! nhìn cỏ gấu mọc lên xanh rì mà xót xa cho lúa, ngô, khoai, sắn... thương thay cho nhãn, mít, bưởi, xoài... “Cỏ gấu” đã xà xẻo xơi cho đến cạn kiệt dinh dưỡng rồi, thì hỏi rằng cây cối chúng sinh còn gì ăn mà không héo úa còi cọc, còn lấy đâu ra mà đơm hoa kết trái. Nhiều loại cây tự héo và chết đói vì “Cỏ gấu” lấn át chèn ép, ăn hiếp rau màu. 

Ban đầu thấy cỏ gấu mọc nhiều, người ta đã phát động nhau, hăm hở cầm cuốc thuổng, mai, chép, rổ sảo ra đào nhổ, hy vọng nhanh chóng triệt nọc được họ nhà “Cỏ gấu” tham ăn mà vô tích sự này. 

Nào ngờ đâu càng đào càng thấy, củ sau to hơn củ trước, củ ở dưới sâu thì nhiều nhánh nhiều chẽ hơn củ ở trên nông. Họ nhà “Cỏ gấu” cứ ôm chặt lấy nhau, xoắn bện chằng chịt vào nhau bởi những tia, những dây, những chà, những rễ, có lúc không còn phân biệt được đâu là củ ông, đâu là củ cháu, củ nào có trước, củ nào có sau, thần dân thật vô cùng lo lắng, chán nản và mệt mỏi. 

Mỗi đợt đào diệt xong tưởng đã yên thân, nhưng sau một trận mưa đổ xuống, không để ý vài ngày ra trông đã thấy các nõn mầm nào là 1 lá, 2 lá, 3 lá... đâm lên tua tủa, chỉ vài tuần sau đã thấy những vạt cỏ gấu xanh rì. 

Nạn “Cỏ gấu” đã cướp đi không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt, cướp đi cả tinh thần và sức khỏe của người dân. 

Cứ mỗi lần phát động chiến dịch đào “Cỏ gấu”, trong lúc giải lao, bọn trẻ lại la cà hóng chuyện mấy cụ ông, tóc đã bạc trắng như cước, các cụ vừa rít thuốc lào nhả khói thản nhiên lên trời, vừa nói như thôi miên: Riêng cái anh củ gấu này, từ đời cha ông chúng tôi, nay đến chúng tôi đã đào diệt liên tục, thế mà bây giờ hắn vẫn còn vẫn có. Cứ ngơi ra không đào không diệt là y như rằng chúng lại nhoi lên mọc bậy. Càng để lâu chúng càng sinh sôi nảy nở, ăn tiệt cả màu mỡ cây trồng. Biết là không thể triệt nọc được chúng, nên cứ phải truyền kiếp cho nhau mà đào mà diệt, không ngừng không nghỉ, nhổ diệt thường xuyên thì mới đỡ. 

Rõ khổ với cái của nợ này! 

Vậy có thơ rằng: 

Nhân đây kể chuyện về cỏ gấu 

Hỏi chuyện cây có thấu chuyện đời 

Chỉ lo “gấu” tốt bời bời 

Bao giờ mới được nghỉ ngơi yên hàn?

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày