Thứ 2, 18/11/2024, 03:50[GMT+7]

Phiên họp giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực

Thứ 4, 30/08/2023 | 17:12:09
2,669 lượt xem
Chiều ngày 30/8, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Bình có đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn, tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo về thực trạng tình hình phát triển kinh tế số và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; công bố tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của 63 tỉnh, thành phố; giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương để thúc đẩy kinh tế số. Đại diện các điểm cầu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực như: Triển khai giải pháp chiếu sáng thông minh vào chuyển đổi số nông nghiệp; giải pháp chuyển đổi số ngành dệt may đóng góp cho kinh tế số; câu chuyện chuyển đổi số du lịch thành công ở Côn Đảo; mạng lưới các hồ dữ liệu số vận hành bởi trí tuệ nhân tạo làm động lực thúc đẩy kinh tế số ngành, lĩnh vực ở các địa phương…

Các giải pháp đã được chỉ ra và thảo luận tại phiên họp gồm: cần tìm ra các không gian phát triển mới trong từng ngành, lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế; cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy kinh tế số… Về thể chế, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, phối hợp với các bộ, ngành xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số.

Tại phiên họp đã diễn ra lễ ký kết bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Tú Anh