Thứ 7, 23/11/2024, 14:24[GMT+7]

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp

Thứ 4, 28/08/2024 | 10:17:00
10,835 lượt xem
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc chuyên môn được ngành tư pháp lựa chọn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Do nhu cầu công việc, anh Trần Minh Tiệp, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Sở Tư pháp, trong thời gian ngắn anh đã hoàn thành các thủ tục thông qua thao tác trên điện thoại thông minh. 

Anh Tiệp chia sẻ: Đây là lần đầu tôi đến đây xin cấp phiếu lý lịch tư pháp, thấy hệ thống trang thiết bị hiện đại, các biểu mẫu, văn bản hướng dẫn được niêm yết công khai, thuận tiện cho công dân khi đến làm thủ tục. Cùng với đó, cán bộ ở đây hướng dẫn nhiệt tình, nhanh chóng trên hệ thống trực tuyến giúp việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tiết kiệm thời gian và chi phí. 

Phòng Tư pháp huyện Tiền Hải cũng tích cực ứng dụng CNTT trong công tác hành chính, bổ trợ tư pháp. Trước đây, lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch phần lớn thực hiện thủ công, việc lưu trữ hồ sơ giấy là chính, khó khăn trong cập nhật, tra cứu, thống kê hộ tịch. Khi thực hiện Đề án 06, ứng dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc nhập dữ liệu, quản lý thông tin hộ tịch được thực hiện một cách thuận tiện, khoa học, đem lại hiệu quả cao, hạn chế sai sót, tiết kiệm thời gian giải quyết TTHC. 

Bà Vũ Phương Dung, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiền Hải cho biết: Đơn vị đã chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử... Đến hết năm 2023, tại huyện Tiền Hải, thủ tục liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện trực tuyến đạt 97,73% và liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí thực hiện trực tuyến đạt gần 95%. 

Để nâng cao chất lượng cải cách tư pháp, Sở Tư pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động, chú trọng đào tạo nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống máy tính và các trang thông tin. Việc ứng dụng CNTT được gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành thông qua thực hiện chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường số, đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ điện tử. Các ứng dụng, dịch vụ nghiệp vụ, chuyên ngành như: các phần mềm lý lịch tư pháp, quản lý hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, quản lý trợ giúp pháp lý, thống kê, đấu giá tài sản trực tuyến... được Sở tăng cường ứng dụng và triển khai sử dụng hiệu quả trong việc theo dõi quá trình tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết và trả kết quả các TTHC sớm nhất cho người dân. 100% công chức, viên chức làm công tác chuyên môn thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử công vụ đã rút ngắn thời gian, giảm tỷ lệ chậm hạn, tăng hiệu quả chính xác của công việc, góp phần chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa việc giải quyết TTHC. Từ ngày 11/12/2023 đến ngày 25/8/2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 17.032 hồ sơ, trong đó 15.721 hồ sơ TTHC đã giải quyết xong theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Thực hiện các nhiệm vụ của tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Thái Bình kiểm tra kỹ thuật, chia sẻ dữ liệu từ cổng dịch vụ công quốc gia qua cổng dịch vụ công tỉnh, phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với công an địa phương làm sạch dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công tác tuyên truyền về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được duy trì thường xuyên với trên 200 tin, bài đăng tải trên website của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và Sở Tư pháp... 

Ông Trần Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động tư pháp, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực của ngành, nhất là ứng dụng CNTT trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tiếp tục triển khai hiệu quả sử dụng những phần mềm, ứng dụng trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp cho người dân, tổ chức, thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tư pháp và chính quyền các cấp. 

Cán bộ ngành tư pháp huyện Quỳnh Phụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân các thủ tục pháp lý. 

Trịnh Cường