Thứ 4, 13/11/2024, 06:52[GMT+7]

Vi phạm hành lang an toàn lưới điện – những hiểm họa khó lường

Thứ 4, 19/06/2013 | 09:47:16
1,063 lượt xem
Sự cố mất điện tại 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam chiều ngày 22/5 vừa qua không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội mà còn là hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ).

Công nhân Điện lực Tiền Hải kiểm tra tủ điện.

Mặc dù, những năm qua, công tác bảo đảm an toàn cho hành lang lưới điện luôn được ngành điện chú trọng trong quá trình vận hành, quản lý nhằm cấp điện an toàn, liên tục nhưng tình trạng vi phạm HLATLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra khá phổ biến.

 

Hiện, toàn tỉnh vẫn còn 186 điểm vi phạm HLATLĐ, trong đó lỗi chủ yếu là nhà, công trình không đủ khoảng cách quy định với dây dẫn điện, kết cấu nhà và công trình không đủ điều kiện tồn tại trong HLATLĐ, trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện. Hơn nữa, ý thức tự giác và sự hiểu biết về những quy định liên quan đến HLATLĐ của người dân còn hạn chế. Điển hình nhất là việc thả diều, một thú vui của “dân chơi diều” nhưng cũng là nỗi lo của ngành điện. Bởi không thể cấm người dân chơi diều ngoài hành lang lưới điện, nhưng khi diều bị đứt dây cuốn vào lưới điện đang vận hành sẽ gây hậu quả với các sự cố chập, cháy, gây mất điện cục bộ.

 

Thực tế đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra như bỏng nặng hoặc tử vong cho người chơi diều, kèm theo đó là sự cố phóng điện trên lưới gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Tại hầu hết các huyện, thành phố vẫn tồn tại những trường hợp vi phạm HLATLĐ chưa được giải quyết triệt để. Tiền Hải là địa phương có số điểm vi phạm nhiều nhất, với 51 điểm. Giám đốc Điện lực Tiền Hải - Lê Bá Quyến cho biết: Với vai trò là doanh nghiệp, ngành điện có nhiệm vụ bảo vệ lưới điện, khi phát hiện vi phạm thì chỉ có thể tuyên truyền thuyết phục, nếu dân cố tình vi phạm thì phải cậy nhờ đến pháp luật, chính quyền. Nhưng trên thực tế, những năm qua việc xóa bỏ, ngăn chặn tình trạng vi phạm HLATLĐ trên địa bàn huyện dường như được “khoán trắng” cho ngành điện.

 

Tháng 3 vừa qua, Phòng Công thương huyện đã lập biên bản xử lý trường hợp vi phạm của gia đình ông Lê Ngọc Bích, xã Tây Giang xây nhà vi phạm HLATLĐ. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông Bích vẫn xây dựng nhà trong HLATLĐ. Với sự chủ quan, không lường trước tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi xây dựng nhà, công trình quá gần đường điện sẽ để lại những hậu quả khó lường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Cuối tháng 5 vừa qua, do chủ quan của người dân khi tháo mái tôn gần trạm điện 110 Thành phố Thái Bình, không chỉ gây ra sự cố mất điện khu vực Thành phố và một số huyện mà còn làm chết người do bị điện giật. Trước đó, vào giữa năm 2012, tại phường Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình), do bất cẩn trong quá trình làm biển quảng cáo đã làm 2 người thiệt mạng do va vào lưới điện 35 Kv.

 

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực - Trần Quốc Tuấn, thì những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, một số công trình xây dựng không có giấy phép dẫn đến vi phạm HLATLĐ cao áp. Mặt khác, nhiều chủ công trình chưa thiện chí phối hợp với ngành điện, có trường hợp xâm phạm cáp ngầm, xây dựng vi phạm khoảng cách trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp... gây sự cố lưới điện. Điển hình là việc xây dựng và khai thác cột quảng cáo gần đường dây 979 E11.7, gần trục đường 39 B, thuộc địa bàn xã Vũ Ninh (Kiến Xương) của Công ty cổ phần Quảng cáo và Thương mại Lạc Việt. Cột biển quảng cáo cao 25 m, nằm gần cột điện cao 16 m, đã vi phạm Luật Điện lực và Nghị định 106 của Chính phủ.

 

Giữa tháng 5/2012, khi có giông, lốc mặt biển quảng cáo đã bay vào đường điện, làm đổ cột, đứt dây, gây sự cố mất điện diện rộng nhiều ngày tại huyện Kiến Xương và một số xã của Thành phố Thái Bình, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân. Công ty Lạc Việt đã không khắc phục sự cố. Mặc dù Điện lực Kiến Xương, Phòng Công thương huyện, UBND xã Vũ Ninh đã có buổi làm việc với Công ty Lạc Việt nhưng đại diện Công ty không có mặt. Theo quy định, trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong HLATLĐ, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, hiện việc cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh không chú ý đến vấn đề này. Công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp và ngành điện trong việc phát hiện, xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ. Nhiều công trình khi xây dựng xong mới phát hiện vi phạm, khiến việc xử lý gặp khó khăn. Ngoài ra, một số trường hợp khi quy hoạch đất đã không thực hiện khảo sát kỹ về thực địa và chưa tính đến sự tồn tại trước đó của đường dây điện, khiến cho việc vi phạm của người dân cứ thế tiếp diễn...

 

Mùa mưa bão đã đến, việc bảo vệ HLATLĐ đang là vấn đề cấp bách, bởi tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi có giông lốc, gió mạnh. Nhớ lại mấy năm trước, phong trào “thả đèn trời” để cầu may ở một số tỉnh, thành đã làm cháy cả nhà cao tầng, kho xăng, đường dây điện, gây thiệt hại nghiêm trọng. Tới năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 95, nghiêm cấm mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt, thả đèn trời thì tình trạng này đã được khắc phục hoàn toàn. Điều đó cho thấy, chỉ khi có chế tài đủ mạnh, cùng sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng thì hệ thống lưới điện mới giảm những nguy cơ sự cố.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa