Thứ 4, 20/11/2024, 21:40[GMT+7]

Phụ nữ Thái Bình năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp

Thứ 6, 07/10/2011 | 15:38:06
2,769 lượt xem
Chiếm trên 60% lực lượng lao động trong tỉnh, 5 năm qua phụ nữ Thái Bình tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, chủ động, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, công tác; đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các tin bài liên quan: >> Điểm sáng thu hút hội viên công giáo >> “Bà đỡ” của phụ nữ nghèo >> Với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” >> Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh  

Đồng chí Khúc Thị Duyền, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa đại diện các Câu lạc bộ “Phụ nữ với an toàn giao thông” tại buổi giao lưu.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chị em đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần cùng địa phương tăng tỉ lệ lúa ngắn ngày, lúa chất lượng cao vào sản xuất; tăng diện tích rau màu vụ đông; ngày càng có nhiều mô hình nữ chủ gia trại, trang trại VAC tổng hợp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhiều chị nhạy bén năng động trong cơ chế thị trường, thực hiện văn hoá trong quản lý kinh doanh tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng bình chọn đã tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Chị em nữ cán bộ, CNVC&LĐ, LLVT ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; từng bước trưởng thành vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Sự đóng góp của phụ nữ đã góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Cùng với sự trưởng thành của phong trào phụ nữ; hoạt động của tổ chức hội phụ nữ các cấp 5 năm qua đã phát huy chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền bình đẳng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chị em; luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức cho hội viên thực hiện các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua của từng địa phương, cơ quan, đơn vị đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng đông đảo và nhiệt tình của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh. Hàng năm, có trên 85% hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện phong trào thi đua; trên 70% hội viên đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt cho phụ nữ đã được các cấp hội đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; pháp luật, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của phụ nữ như: Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống Bạo lực gia đình; tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Hàng năm, có trên 90% phụ nữ được tiếp cận nâng cao kiến thức mọi mặt bằng nhiều hình thức phù hợp, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của chị em, như thông qua các lớp chuyên đề, mít tinh, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt nhóm và đặc biệt là hình thức sinh hoạt tại trên 1.000 CLB phụ nữ các cấp.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình “ No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” được thực hiện dưới dạng mô hình, chương trình phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp, khi có kết quả thì nhân ra diện rộng; tập trung ưu tiên cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ hộ gia đình chính sách, nữ TNXP... Với nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực như: thông qua các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi, tín chấp cho hội viên mua vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống cúm gia cầm; triển khai thực hiện chương trình “Quỹ quay vòng vốn cho cấp nước và vệ sinh hộ gia đình” ở 33 xã, thị trấn,  trên 5.000 gia đình hội viên được vay vốn xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, với tổng nguồn vốn đạt trên 30 tỉ đồng.

Tín chấp với ngành ngân hàng khai thác nguồn vốn hỗ trợ chị em đầu tư phát triển sản xuất. Duy trì và phát triển các tổ nhóm phụ nữ vay vốn tiết kiệm; vận động chị em cho nhau không lấy lãi vay mỗi năm đạt trên 20 tỉ đồng bằng tiền, vàng, con giống, phân bón để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nữ tại Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh và các xã, phường, thị trấn, đã góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục ngàn phụ nữ có thu nhập ổn định.

Các cấp hội đã tập trung hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Xây dựng các mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Câu lạc bộ (CLB) phòng chống tội phạm, CLB phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em, CLB An toàn giao thông; CLB phòng chống SDD, an toàn VSTP. Phối hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền, vận động các bà mẹ đưa con đến trường đúng độ tuổi, tặng quà, động viên các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó nhằm hạn chế thấp nhất trẻ em bỏ học. Vận động hội viên quyên góp xây dựng 112 “Mái ấm tình thương” tặng gia đình chính sách, gia đình phụ nữ nghèo, với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng và phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng hàng ngàn ngôi nhà tình thương, nhà tình nghĩa tặng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, trị giá hàng chục tỉ đồng.

Để tổ chức hội ngày càng được củng cố, các cấp hội đã chú trọng và tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội, cán bộ nữ; phát huy vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ nhằm nâng cao vị thế chính trị của phụ nữ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chị em. Nhiệm kỳ 2006-2011, tỉ lệ thu hút hội viên đạt 78%; 100% số cơ sở hội xếp loại vững mạnh, trong đó 75,1% cơ sở đạt xuất sắc; 56,9% cán bộ hội đạt danh hiệu “Cán bộ hội cơ sở giỏi”; gần 3000 cán bộ, hội viên được kết nạp Đảng; 100% cán bộ Hội chủ chốt các cấp dưới 45 tuổi đạt tiêu chuẩn hoá cán bộ... đã góp phần củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở cơ sở và đóng góp vào sự bình đẳng, phát triển chung của phụ nữ Việt Nam.

Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, đặc biệt quá trình hội nhập toàn cầu, phong trào và hoạt động của các cấp Hội còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra cho hội phụ nữ các cấp là: “Xây dựng, phát triển tổ chức hội vững mạnh, phát huy tiềm năng, nội lực các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ; góp phần thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2010-2015”. Để làm tốt, các cấp hội cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới, nhất là kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hiện hiệu quả Đề án”Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam” giai đoạn 2010-2015. Tiếp tục triển khai sâu rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua”Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”gắn với các phong trào thi đua của địa phương, cơ quan, đơn vị; phấn đấu xây dựng người phụ nữ thời kỳ CHN, HĐH “Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu”.

Hai là: Nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tín chấp cho hội viên vay vốn, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, xây dựng các mô hình. Vận động phụ nữ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường hàng hoá. Phối hợp triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới, đề án sản xuất nông nghiệp. Khảo sát, nắm vững hộ nghèo, hộ nghèo do nữ làm chủ hộ; đẩy mạnh xã hội hoá việc huy động nguồn lực giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ.

Ba là: Phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và mô hình xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010-2015 phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị và đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại từng thời điểm.

Bốn là: Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội, đặc biệt là cấp cơ sở. Tổ chức cho phụ nữ tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện để chị em khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội. Chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội, cán bộ nữ.

Năm là: Đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Các nội dung thi đua tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra của các địa phương về tâm tư nguyện vọng của hội viên trong giai đoạn hiện nay như: Tham gia xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao kỹ năng, trình độ học vấn; xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, với tinh thần quyết tâm cao, cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ Thái Bình sẽ đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua học tập, lao động, sản xuất, công tác, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, góp phần xây dựng nông thôn mới thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Khúc Thị Duyền

(Uỷ viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam, on>Tỉnh uỷ viên,

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh)

 

                     

                                          

  • Từ khóa