Thái Phương Bao giờ mới hết ô nhiễm môi trường?
Đến làng nghề Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà), ai cũng ngưỡng mộ trước những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau, đúng với cái tên người ta thường gọi “làng tỷ phú”. Đây là những thành quả xứng đáng của người dân nơi đây khi biết gìn giữ và phát triển nghề dệt truyền thống của ông cha để lại. Tuy nhiên, bên cạnh sự hào nhoáng, náo nhiệt của làng nghề thì người dân Thái Phương đang phải hứng chịu sự ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, như về không khí, tiếng ồn, đặc biệt là ô nhiễm do nước thải trong nấu, giặt, tẩy nhuộm chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.
Ông Trần Bá Cao, Phó chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 12 doanh nghiệp và hộ gia đình hoạt động nấu, giặt, tẩy nhuộm khăn để xuất khẩu, trong đó 4 đơn vị sản xuất tại cụm công nghiệp Phương La, còn lại 8 đơn vị nằm trong khu dân cư của 4 thôn; trong các đơn vị này có 2 doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn lại vẫn xả nước tẩy nhuộm trực tiếp ra môi trường. Trong những năm qua, các doanh nghiệp, hộ sản xuất tẩy nhuộm đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, cũng như sức khoẻ của người dân.
Trước thực trạng này, năm 2007, UBND tỉnh đã có các Quyết định số 2820, 2821, 2822... về việc tạm đình chỉ hoạt động nấu, giặt, tẩy nhuộm phát sinh nước thải gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, như Xí nghiệp Minh Ngọc, Công ty TNHH CBA, Công ty Tân Phương... Trong số các doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động, có 3 doanh nghiệp đề xuất UBND tỉnh cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng và được UBND tỉnh đồng ý, gồm Công ty TNHH CBA, Xí nghiệp dệt may xuất khẩu Nam Thành, Công ty Minh Tâm. Hiện tại Công ty TNHH CBA và Xí nghiệp dệt may xuất khẩu Nam Thành đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, qua nhiều lần lấy mẫu thử nghiệm đều đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường.
Ông Đinh Văn Cải, Giám đốc Xí nghiệp dệt may xuất khẩu Nam Thành cho biết: Ngay khi UBND tỉnh có quyết định tạm đình chỉ hoạt động tẩy, nhuộm của Xí nghiệp, bản thân tôi đã nhận thức được sự nguy hại của nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường và chấp hành nghiêm túc quyết định của UBND tỉnh thực hiện giải pháp xây dựng hệ thống nước thải. Sau hơn 2 năm xây dựng, hệ thống xử lý nước thải trị giá trên 2 tỷ đồng đã đi vào sử dụng và được cấp phép xả nước thải đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định. Trong suốt quá trình tạm đình chỉ hoạt động tẩy, nhuộm, Xí nghiệp dệt may xuất khẩu Nam Thành đã thực hiện nghiêm túc không tổ chức tẩy nhuộm, toàn bộ sản phẩm được đem lên Hà Tây, Nam Định và Thành phố Thái Bình để thuê tẩy, nhuộm. Dẫn chúng tôi ra xem hệ thống xử lý nước thải, ông Đinh Văn Cải giới thiệu việc Xí nghiệp vừa hoàn thiện hồ kiểm chứng và đường ống thải riêng ra sông Tân Việt trong tháng 4/2012 theo đúng yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp, cơ sở tẩy, nhuộm nào cũng nêu cao ý thức như Xí nghiệp của ông Cải. Một số doanh nghiệp được UBND tỉnh đồng ý cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn không chấp hành nghiêm túc. Ông Trần Bá Cao cho biết, Công ty Minh Tâm, do ông Trần Văn Tuấn làm giám đốc, hiện chưa xây xong hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn tiếp tục hoạt động nấu, tẩy, nhuộm và xả trực tiếp ra sông, mương máng xung quanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hay như tổ hợp sản xuất của gia đình ông Trần Văn Tuấn, sau một thời gian tháo máy móc chuyển đi nơi khác, nay lại mang máy móc về cụm công nghiệp Phương La lắp đặt trở lại và tổ chức nấu, tẩy, nhuộm, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh.
Ngoài ra, hiện còn một số hộ gia đình nằm xen trong khu dân cư có các lò nấu, tẩy, nhuộm nhỏ vẫn lén nút hoạt động và xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, như hộ ông Đinh Văn Đàm, Vũ Văn Đoàn, Trần Văn Tâm ở thôn Phương La 1; ông Nguyễn Văn Cù ở thôn Phương La 3... Trước đó, các hộ này đã bị UBND huyện Hưng Hà ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, nhưng không chấp hành; tiếp đó UBND huyện đã ra quyết định cưỡng chế, nhưng sau đó các hộ này đã tự ý phá xích cổng, cửa và niêm phong cưỡng chế để hoạt động nấu, tẩy, nhuộm trở lại, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Ông Trần Bá Cao bức xúc cho biết thêm, với các biện pháp mạnh mà UBND tỉnh, huyện, xã đã làm, song tình trạng vi phạm không giảm mà còn gia tăng thêm số hộ lắp đặt hệ thống nấu, tẩy, nhuộm và xả nước thải chưa qua xử ra môi trường, như hộ ông Trần Văn Đăng thôn Phương La 4; ông Trần Văn Bẩy, Đinh Văn Tính, Đỗ Văn Thà thôn Phương La 3. Cũng theo ông Trần Bá Cao, mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, sát sao, nhưng việc dừng hoạt động nấu, tẩy, nhuộm ở các doanh nghiệp, hộ dân hầu như không có kết quả. Bởi các doanh nghiệp, hộ dân chỉ chấp hành khi đoàn kiểm tra có mặt, khi đoàn kiểm tra đi thì họ lại hoạt động trở lại, hoặc hoạt động về đêm.
Ngay cả với doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng không chấp hành nghiêm túc việc này, khi lấy mẫu nước xét nghiệm thì họ đạt tiêu chuẩn, nhưng sau đó để giảm chi phí họ giảm lượng hoá chất xử lý nước thải, mà chủ yếu sử dụng bằng hình thức sục khí, do đó vẫn gây ô nhiễm môi trường... Cụ thể, tháng 1/2012, các ngành chức năng đã lấy mẫu nước thải đem đi phân tích, trong đó có các mẫu nước ở doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải; kết quả phân tích gửi về huyện ngày 25/2/2012 cho thấy, trong 13 thông số phân tích có tới 5 thông số quan trọng vượt chỉ tiêu cho phép từ 1,5 đến 57 lần so với quy chuẩn Việt Nam, nồng độ ô nhiễm quá cao.
Từ việc xả nước thải nấu, tẩy, nhuộm hàng dệt may ra môi trường, hiện xã Thái Phương có tỷ lệ người mắc các bệnh về da và mắt cao nhất huyện; đồng thời một số diện tích lúa của bà con gieo cấy mắc chứng bệnh “trẻ mãi không già”, do cây lúa chỉ phát triển xanh tốt nhưng không làm đòng, trổ bông...
Trước thực trạng ô nhiêm môi trường hiện nay ở Thái Phương, UBND tỉnh đã có các quyết định số 785 đến 789/QĐ-UBND ngày 16/4/2012 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở sản xuất hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm gây ô nhiễm môi trường, gồm: Công ty TNHH CBA, Công ty TNHH dệt may in nhuộm Lương Ngọc, hộ ông Đỗ Văn Thà, thôn Phương La 3... Tuy nhiên, để xử lý triệt để các doanh nghiệp, hộ dân thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường ở Thái Phương, thiết nghĩ cần phải có giải pháp hiệu quả về lâu dài, bởi trước đó UBND tỉnh, huyện cũng đã có các quyết định xử lý vi phạm hành chính, kể cả cưỡng chế về việc này nhưng tình trạng vi phạm không giảm. Thái Phương không chỉ ô nhiễm nguồn nước thải mà còn cả tiếng ồn, bụi tại các doanh nghiệp, cơ sở dệt, may khăn cũng gây bức xúc cho người dân nơi đây. Vì vậy, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thái Phương xem ra vẫn còn là bài toàn khó cho các ngành chức năng.
Bài: Nguyên Bình
Ảnh:Thành Tâm
Tin cùng chuyên mục
- Biển đảo quê hươngMƠ VỀ ĐẢO NGỌC 21.08.2010 | 03:05 AM
- Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nướcTrần Khánh Thu - Đi đầu các phong trào tình nguyện 17.08.2010 | 08:49 AM
- Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủyNghề và làng nghề ở Quốc Tuấn 26.08.2010 | 15:29 PM
- Thái ThuỵĐạo – Đời hoà hợp chung tay xây dựng quê hương . 01.09.2010 | 10:39 AM
- Las Vegas của phương Đông 26.05.2010 | 17:42 PM
- Hội Nông dân Quỳnh MinhThực hiện hiệu quả công tác dân số – KHHGĐ 16.09.2010 | 15:15 PM
- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội1000 năm và sức sống diệu kỳ của "Thiên đô chiếu" 01.09.2010 | 08:15 AM
- Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9NGƯỜI ƯƠM MẦM CÁCH MẠNG TỪ QUẢNG CHÂU 22.08.2010 | 16:01 PM
- Công ty Môi trường và công trình đô thị Thái BìnhVì Thành Phố ngày càng xanh sạch đẹp 17.09.2010 | 08:10 AM
- Vũ Thư (Thái Bình)Năm giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết 03 về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình 27.08.2010 | 10:15 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất