Thứ 7, 09/11/2024, 22:40[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã (30/6/1954 - 30/6/2024), 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình (2004 - 2024) Từ ký ức tuổi thơ tới kỳ vọng về thành phố Thái Bình văn minh, hiện đại, năng động và phát triển

Thứ 6, 10/05/2024 | 16:08:22
3,936 lượt xem
Tôi sinh ra và lớn lên ở một xã nội đồng ven sông Hồng, một miền quê nghèo khó như bao miền quê khác ở Thái Bình lúc bấy giờ. Ngày nhỏ cùng bạn bè trang lứa hàng ngày cắp sách tới trường, nắng cũng như mưa, nóng hay rét, đầu trần, chân đất; những lớp học tường đất, mái rạ song vẫn rộn rã tiếng ê a đọc bài hay tiếng vui đùa trong giờ ra chơi.

Một góc thành phố Thái Bình.

Làng tôi có một ngôi đình thờ thành hoàng làng, là cụ thủy tổ một dòng họ lớn có công với dân, với nước được vua sắc phong, dân làng dựng đình làm nơi thờ tự và xin thành hoàng che chở. Trước sân đình là cái ao rộng, trồng đầy sen, mỗi mùa hè đến tỏa hương khắp cả một vùng. Cạnh đình là cây đa cổ thụ sum suê xanh tốt, gốc cây đầy hang hốc, chứa hàng trăm ông bình vôi sứt mẻ. Cây đa như chứng nhân lịch sử, chứng kiến những thăng trầm của mảnh đất, con người nơi đây. 

Ngày nhỏ, bọn trẻ chúng tôi không dám đi chơi ban đêm qua đình, nhưng vào các buổi trưa hè, lại kéo nhau ra, nằm trên những rễ đa khổng lồ, nheo mắt ngắm trời xanh qua kẽ lá, rồi rủ nhau trèo lên tranh nhau với lũ chim những quả đa chín mọng, to bằng đầu ngón tay cái. Cây đa cao đến nỗi mỗi khi trèo lên ngọn cao nhất thì nhìn thấy tháp nước thị xã cách đó bảy tám cây số, đứa nào trèo lên nhìn thấy được thì đều lấy làm hãnh diện, thích thú. 

Lớn thêm chút, chừng học lớp 5, lớp 6, một số đứa trẻ trong đó có tôi liều lĩnh trốn học, trốn mẹ rủ nhau lên thị xã chơi. Lần đầu đến thị xã không khỏi ngơ ngác trước Rạp chiếu bóng Thống Nhất, Rạp Vĩnh Trà, những cửa hàng bách hóa, cửa hàng HTX mua bán thị xã khá lớn; những tiệm thuốc bắc của người Tàu, thuốc Nam của người bản địa, những hiệu may, hiệu ảnh, cửa hàng bán bánh tây (bánh mỳ) mà chúng tôi chỉ đứng ngoài nhìn vào. Đúng là “phố phở, phố có nhà to” như những gì mình được học. Rồi mấy đứa kéo nhau ra chúi miệng vào cái vòi nước máy công cộng đầu phố Nguyễn Thái Học uống những ngụm nước mát lạnh. Rồi lại kéo nhau ra vườn hoa “chéo” thị xã, vén lưng nằm xuống cái ghế băng khổng lồ, làm bằng xi măng, bóng nhẫy cũng mát lạnh, nhìn mấy chú khỉ đang trêu đùa, đánh đu, đánh võng; gần đó là chú vượn thỉnh thoảng lại hú lên từng hồi có vẻ khoái chí khi có người đến thăm. Để rồi khi về, bọn bạn ở nhà trợn mắt khâm phục khi nghe chúng tôi “tả”, còn chúng tôi coi như chiến tích. Dĩ vãng tuổi thơ là vậy. 

Khi chúng tôi nhìn thấy ánh mặt trời thì thị xã Thái Bình giải phóng được 3 năm rồi. 70 năm trôi qua, bây giờ lũ trẻ năm xưa đã lên ông, lên bà. Khi được hỏi cảm nhận của bản thân về những đổi thay của thị xã Thái Bình, đặc biệt 20 năm xây dựng và phát triển thành phố, mỗi chúng ta không khó nhận ra sự khởi sắc từng ngày của thị xã xưa, nay là thành phố Thái Bình, bởi nó ánh lên trong từng nhịp sống thường ngày của mỗi người, khi mức sống của mỗi gia đình được nâng cao, có điều kiện hưởng thụ cuộc sống vật chất và tinh thần mỗi ngày tốt hơn. Diện mạo thành phố thay đổi từng ngày với những con đường, các tuyến phố được quy hoạch đồng bộ, được mở mới, nâng cấp khang trang; xuất hiện nhiều hơn các khu công nghiệp, khu đô thị, các trung tâm mua sắm, khách sạn, các tòa nhà cao tầng, các trụ sở cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể. Thành phố xanh, sạch hơn, sáng đẹp hơn về đêm; văn minh, văn hóa hơn trong nếp sống, ăn mặc, giao tiếp của mỗi cán bộ, công chức và người dân. Đời sống đầy đủ hơn, tiện nghi, hiện đại hơn, xuất hiện nhiều hơn xe ô tô, xe máy đắt tiền... là những dấu ấn nổi bật mà người dân thành phố trong đó có gia đình tôi có thể vui mừng, tự hào mỗi ngày thụ hưởng. Hơn 10 năm trước, khu đô thị Petro Thăng Long chỉ là một vườn ươm cây và những ruộng cấy lúa lơ thơ, những ruộng rau muống xen cùng cỏ dại mà nay đã là một khu đô thị khang trang, các dãy phố hiện đại được xây dựng, quy hoạch thẳng tắp như ô bàn cờ... 

Gần tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng một số anh chị em trong khu phố, chúng tôi có dịp tham quan mua sắm tại hội chợ được tổ chức tại Quảng trường Thái Bình. Chúng tôi đã có ít phút dừng chân trên cầu Bo ngắm nhìn về hai phía thượng nguồn và hạ lưu con sông Trà Lý để rồi có chung cảm nhận thành phố Thái Bình ngày càng hiện đại hơn. Có rất nhiều địa điểm để vui chơi, giải trí, ăn uống; các thương hiệu nổi tiếng gần đây đã có mặt ở thành phố Thái Bình ngày một nhiều. Giới trẻ thành phố đã bắt nhịp được với đời sống của giới trẻ cả nước. 

Tết Giáp Thìn, tôi cùng con cháu du xuân đầu năm ngay trên mảnh đất thành phố thân yêu. Thăm thú, chứng kiến thành phố đang ngày càng “thay da đổi thịt”, các con cháu không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt thấy những công trình phúc lợi, các công trình công cộng được quan tâm đầu tư xây dựng mới. Chúng tôi ghé thăm Đền thờ Bác Hồ, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại phường Hoàng Diệu, Đền thờ Liệt sĩ tỉnh tọa lạc tại vườn hoa trung tâm; đi qua nhà thờ chính tòa (Tòa Giám mục Thái Bình); lướt nhanh trên đường Võ Nguyên Giáp, đường và khu phố Kỳ Đồng, cầu Vũ Đông và rất nhiều những công trình công cộng sáng đẹp lung linh như công viên 30/6, hồ Ty Rượu, công viên Kỳ Bá về đêm; khu đô thị Trần Lãm, chung cư Dam San, chung cư Thành Công, khu đô thị Vũ Phúc... các trường học và trụ sở làm việc của cơ quan hành chính tỉnh, thành phố và một số xã, phường. Bây giờ qua lại sông Trà Lý không chỉ là một cầu Bo mà thêm vào đó là những cây cầu mới: cầu Thái Bình, cầu Vũ Đông... cùng những con đường mới rộng mở, những hàng cây xanh mỗi ngày tỏa vào không gian luồng khí an lành... - 

Đẹp lắm ba ạ!

 - Gì hả con? 

- Là con nói thành phố mình đẹp lắm, lâu rồi mới có dịp ngắm thành phố thế này, thật tuyệt vời. 

Con tôi sống và làm việc tại Hà Nội. Thủ đô hiện đại và văn minh bậc nhất cả nước vậy mà khi cùng ba mẹ đi thăm dạo quanh thành phố một lượt, cháu đã cảm nhận được ngay những thay đổi của thành phố. Tôi nghĩ đó là một nhận xét đúng.

- Thành phố còn nhiều việc phải làm con ạ. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, toàn thành phố phải nỗ lực hết mức. Ngay trong năm Giáp Thìn 2024 này, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất đạt từ 11,9% trở lên; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu là 11%; tăng thu ngân sách 12%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 16.233 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%; hoàn thành các tiêu chí thành lập 8 phường; thành phố cũng phấn đấu thu nhập bình quân đầu người 85 triệu đồng... đó con. Còn các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, về môi trường, về quốc phòng - an ninh, về xây dựng Đảng..., ba cũng đang suy nghĩ xem có thể làm gì để góp phần nhỏ bé của mình trong sự nỗ lực chung của thành phố. 

Phải làm gì cho thành phố mến yêu? Một câu hỏi có nhiều lời giải nhưng đáp án chỉ có một! 

Để xây dựng thành phố phát triển, sớm đạt các tiêu chí thành phố loại I trực thuộc tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. 

Thành phố với quyết tâm duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững; trong những năm tiếp theo cần tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị theo quy hoạch; tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và các công trình kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, phúc lợi công cộng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng địa phương. Quyết tâm xây dựng thành phố Thái Bình xứng đáng là đô thị trung tâm cấp vùng, trong nhóm các đô thị dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của khu vực. 

Tôi tâm nguyện điều đó và ý thức tự thân mỗi ngày làm một việc tốt, mỗi ngày cùng với người dân trong khu dân cư làm một việc tốt, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện...

Đoàn Hải Châu
(Thành phố Thái Bình)