Thứ 7, 16/11/2024, 01:40[GMT+7]

Dưới đạn bom càng thi đua “hai tốt”

Thứ 4, 22/04/2015 | 09:29:29
3,340 lượt xem
Trước sức tiến công mạnh mẽ của nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ cho ngày 5/8/1964 đem máy bay đánh phá nhiều địa phương ven biển, các căn cứ, vị trí trú đậu tàu thuyền của Hải quân nhân dân Việt Nam, mở đầu cho hành động leo thang phá hoại miền Bắc nước ta. Trước tình hình đó, Đảng đã kêu gọi toàn dân kiên quyết đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thực hiện h

Một lớp học thời kháng chiến. Ảnh tư liệu.

 

Tiếp nối kết quả đạt được từ phong trào diệt giặc dốt sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các lớp học bình dân học vụ (giai đoạn 1945 - 1959), sau đổi tên thành bổ túc văn hóa (giai đoạn 1959 - 1990) đã phát triển rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh. Sau khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, để bảo đảm an toàn và duy trì phong trào học tập, các trường học phải sơ tán về các vùng quê. Giáo viên, học sinh đi học phải đội mũ rơm, lưng đeo nùm rơm để tránh bom đạn Mỹ. Xung quanh lớp học là hệ thống giao thông hào nối với các hầm kèo nhà và hố cá nhân để trú ẩn khi máy bay Mỹ ném bom. Thầy giáo Nguyễn Văn Kiên (tổ 10, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) bồi hồi nhớ lại những tháng ngày chìm trong khói lửa đạn bom: Thời đấy, tôi là giáo viên dạy tiểu học ở Hưng Hà, một lớp có khoảng 50 học sinh. Điều kiện thời chiến khó khăn, học sinh không có trường học tử tế, phải học nhờ nhà dân, ở đình, chùa; các lớp học được đắp bằng đất, mái lợp bằng rạ, lá mía hoặc lá gồi. Giáo viên và học sinh phải bện mũ rơm đi học vì không đủ mũ sắt. Mỗi lớp học đều có hầm hào trú ẩn, khi có tiếng kẻng báo động thầy trò xuống hầm để tránh bom đạn Mỹ. Những ngày tháng chiến tranh ác liệt, vất vả, gian nan, không mấy buổi học được bình yên. Khi tiếng kẻng báo động vang lên, học trò theo hướng dẫn của thầy cô nhanh chóng xuống hầm trú ẩn, dứt tiếng bom các lớp lại tiếp tục học bình thường.

 

 

Những kỷ vật của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân.

 

Chúng ta không thể quên sự kiện giặc Mỹ ném bom xuống vùng quê Thụy Dân (Thái Thụy) ngày 21/10/1966 khiến 40 người thiệt mạng, trong đó có cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 học sinh của mình. Ông Lê Xuân Thắng (thôn An Tiêm, xã Thụy Dân), một trong những học sinh sống sót ngày ấy nghẹn ngào nhớ lại: Tháng 9/1966, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép mở Trường cấp II Thụy Dân với hai lớp 5, hai lớp 6 và một lớp 7. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 21/10/1966, khi 52 học sinh lớp 7 (40 học sinh nam, 12 học sinh nữ) đang chăm chú nghe cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân giảng bài thơ “Dù đui mà giữ đạo nhà” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu thì có tiếng động cơ máy bay gầm rú trên bầu trời. Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 52 học sinh nhanh chóng xuống hầm trú ẩn trong sân trường. Loạt bom đầu tiên giặc Mỹ thả xuống làng An Tiêm khiến các bạn nữ bật khóc. Khoảng 5 phút sau, không quân Mỹ lần lượt trút 4 quả bom tấn xuống trường, tôi may mắn chỉ bị đất đá vùi lấp đến phần ngực, nhìn lên thấy cảnh trường tan hoang, lòng đau như cắt.

 

Là người trực tiếp tham gia cứu sống học sinh ngày ấy, ông Bùi Xuân Rị, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thụy Dân xúc động: Dứt tiếng bom, nhân dân trong xã và các xã lân cận khẩn trương đào bới tìm kiếm cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và các học sinh. Trên diện tích sân trường gần 360m2, 4 quả bom dội xuống, sức công phá sâu tới 4m đã khiến trường tan hoang. Vật lộn với đất đá, bà con chỉ cứu được một số em còn cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 học sinh (trong đó có toàn bộ 12 học sinh nữ) đã ra đi mãi mãi. Khi bới lớp đất, hình ảnh hiện lên trước mắt mọi người là cô giáo đang ôm một học sinh nữ như muốn che chở em dưới đạn bom của giặc, bên cạnh cô là hai học sinh khác dựa vào cô. Trong những di vật mà cô giáo Xuân để lại có bức thư cô viết cho người chồng chưa kịp gửi với những dòng cảm xúc thương nhớ đứa con chưa đầy 3 tuổi, những lời dặn dò với người chồng thân yêu và lời nhắn nhủ chắc chắn cô sẽ thăm con, dù chỉ một ngày (bởi trong thời gian này, chồng cô đang công tác tại Hà Nội, đứa con 3 tuổi phải gửi ông bà nội tại Nam Hà chăm sóc). Ngay sau khi khắc phục hậu quả của bom đạn, phong trào học tập của nhân dân Thụy Dân và các xã lân cận tiếp tục được đẩy mạnh. Ngày 24/10/1966, học sinh Trường cấp II Thụy Dân đã trở lại học tập bình thường, dù là phải học nhờ ở nhà dân, đình, chùa.

 

Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ngay năm đầu tiên, nhân dân Thái Bình đã góp 27 vạn ngày công, 35 vạn cây tre và trên 8 vạn đồng để dựng lán học, làm hầm hào để bảo đảm an toàn cho dạy và học. Cuối năm 1968, khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, các trường học lần lượt trở về địa điểm cũ để tiếp tục dạy và học. Trước sự phát triển của cách mạng, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, phong trào giáo dục ở Thái Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ. Bậc học mầm non được thành lập từ năm 1960, năm 1962 có 26 lớp với 850 học sinh. Chỉ 3 năm sau (năm 1965), toàn tỉnh đã có gần 300 lớp với 8.600 học sinh. Bậc học phổ thông có 1 trường (năm 1957) đã nâng lên thành 13 trường vào năm 1965. Song song với sự ra đời của hệ thống giáo dục phổ thông là hệ thống giáo dục chuyên nghiệp. Năm 1959, Thái Bình có Trường Sư phạm cấp I, Trường Sư phạm cấp II. Đến năm 1960 có thêm các trường như Trung cấp Tài chính, Trung cấp Y, Trung học Nông nghiệp.

 

 

Trường Trung học cơ sở Thụy Dân (Thái Thụy) hôm nay.

 

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt”, dưới bom đạn của giặc Mỹ, giáo viên, học sinh Thái Bình vẫn hăng hái thi đua dạy tốt, học tốt. Kết quả từ những năm tháng gian khó ấy là cơ sở, tiền đề để ngành Giáo dục và Đào tạo không ngừng đổi mới, phát triển.

 

Đặng Anh

  • Từ khóa