Thứ 7, 09/11/2024, 22:19[GMT+7]

Vòng quanh thế giới ngày Valentine

Thứ 3, 14/02/2012 | 14:15:30
2,459 lượt xem
Cùng là ngày lễ tình yêu, nhưng giới trẻ mỗi nước lại có cách đón mừng rất riêng.

Nếu ngày 14/2 mà trùng với Tết Âm lịch thì người dân Singapore sẽ không sử dụng ngày Valentine của phương Tây mà tổ chức hẳn một lễ hội riêng vào ngày rằm tháng Giêng, lấy đêm "Hội đèn" của người Trung Quốc làm lễ chính thức. Ngày này, trai gái sẽ kéo nhau đến chùa đốt đèn, thắp hương cầu Phật, ước hẹn và tặng nhau một nhành huệ trắng mang về. Người dân của đất nước này quan niệm rằng, hoa của ai héo úa trước thì người ấy yêu ít hơn.

Đối với người Nhật Bản, họ không ước gì trong ngày Valentine. Món quà duy nhất được tặng trong ngày Lễ Tình nhân là chocolate, mà chỉ có nữ giới tặng cho nam giới. Có một điều rất thú vị là ngoài người yêu, phụ nữ Nhật Bản còn tặng chocolate cho cả thủ trưởng, đồng nghiệp và bạn trai bình thường vào ngày này. Đó gọi là giri-choko (chocolate lịch sự), để tỏ lòng biết ơn hay sự quý trọng mà thôi. Sự thể hiện tình cảm một phía theo truyền thống dường như làm cánh mày râu không đồng tình và người người Nhật còn có thêm một ngày Lễ Tình nhân thứ hai, cách Valentine đúng một tháng (14/3), được gọi là Lễ Trắng (White Day), dành cho cánh mày râu tặng lại quà cho phái đẹp để bày tỏ tình yêu hoặc lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ.

Phụ nữ Hàn Quốc cũng tặng chocolate cho người mình yêu vào 14/2 và nam giới tặng kẹo không phải là chocolate cho người mình hâm mộ vào 14/3 giống như Nhật Bản. Tuy nhiên, người Hàn Quốc có một ngày đặc biệt dành cho những người cô đơn, đó là ngày 14/4 Lễ Đen (Black Day). Họ thường tụ tập ở quán ăn Tàu hoặc ở nhà bạn bè để thưởng thức món mì đen và cùng nhau chia sẽ suy nghĩ về cuộc sống đơn độc.

Trước khi đón mừng Valentine 14/2 theo kiểu Tây, người Thái Lan có một lễ hội gọi là "Hội hoa", được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/2 hàng năm. Lễ hội là dịp để trai gái nước này lựa chọn bạn trăm năm bằng cách thả hoa xuống sông. Nếu hoa của cô gái mà trôi vào hoa của chàng trai thì đó là duyên nợ.

Mặc dù giới trẻ nước này không còn xa lạ gì với ngày Valentine 14/2, tuy nhiên ngày Lễ Tình nhân truyền thống của người Trung Quốc được tính là ngày Ngưu Lang và Chức Nữ đoàn tụ với nhau trên cầu Ô Thước (tức ngày mùng 7/7 âm lịch). Theo truyền thuyết, vào đêm đó, những ai ngồi dưới bầu trời đêm ngập ánh sao có thể nghe thấy những lời thì thầm tâm sự của đôi tình nhân huyền thoại.

Pháp là đất nước có truyền thống tổ chức Lễ hội Tình yêu mang màu sắc lãng mạn nhất thế giới. Vào ngày này, các đôi uyên ương thường dành cho nhau những khoảnh khắc thời gian tuyệt vời bên nhau, trao tặng những lời yêu thương ngọt ngào nhất. Món quà mà giới trẻ Pháp yêu thích để dành tặng cho nhau là những chiếc bánh chocolate với hình trái tim lớn, nhỏ khác nhau. Người Pháp có tiếng là tôn vinh cái đẹp. Vì thế họ thường đem tặng đồ trang sức cho một nửa yêu thương của mình. Còn tất cả những người gần gũi như ông bà, cha mẹ, người thân khác và bạn bè đều nhận được những tấm thiệp Valentine nho nhỏ.

Tại Anh, nơi người ta chọn ngày lễ Valentine làm ngày Lễ Tình nhân từ thời Trung cổ, các chàng trai tập trung lại trong ngày lễ tình nhân, viết tên bạn gái mình lên giấy da, đặt mảnh giấy đó vào một cái mũ và bỏ vào những cái lỗ. Cô gái được chọn và được viết tên lên giấy sẽ là người mà chàng trai đó hẹn hò trong suốt năm đó. Cũng tại đây, người Anh đã sáng tạo ra một trò chơi dí dỏm và dần dần đã trở thành truyền thống: Vào đúng ngày Valetine, một cô gái đòi người bạn trai của mình phải hỏi cưới mình, nếu anh ta không cưới cô gái, anh sẽ phải tặng lại người con gái đó một món quà. Hiện nay, người Anh không còn theo tất cả những tập tục truyền thống có từ xa xưa, nhưng những người lãng mạn vẫn tin vào lời tiên đoán và thực hiện nhiều điều ước trong ngày lễ Valentine.

Người Anh sẵn sàng tặng quà cho tất cả bạn của mình. Họ có quà dành cho cả những con thú cưng của mình. Và tất nhiên, những người đang yêu sẽ tặng nhau tấm thiệp Valentine. Vào ngày này, trẻ em sẽ ăn mặc như người lớn và đi thành từng nhóm, vừa đi vừa hát vang những bài ca ngợi tình yêu và gõ cửa từng nhà để nhận quà, có khi là một thanh kẹo chocolate hay những gói quà nhỏ xinh xắn. Trong khi đó, những đôi tình nhân tại xứ Wales thì thích thú tặng nhau món quà truyền thống là một chiếc thìa gỗ có khắc chữ "Love", trang trí thêm hình trái tim, chìa khóa và lỗ khóa, mang thông điệp "anh đã mở cửa trái tim em".

Đến những quốc gia phản đối

Những công dân Iran sẽ rất vất vả để tìm được một món quà tặng tình yêu của mình trong Ngày lễ Valentine 14/2, bởi kể từ năm 2011, chính quyền đã cấm hoàn toàn việc sản xuất quà tặng, thiệp cho ngày Valentine, cũng như tổ chức ngày lễ này.

Đi cùng với đó là việc cấm “In ấn và sản xuất bất kỳ sản phẩm nào có liên quan đến ngày Valentine như áp phích, tờ rơi, thiệp, các hộp hình trái tim, kí hiệu trái tim, một nửa trái tim, hoa hồng đỏ cũng như bất kể hoạt động quảng bá nào”.

Việc cấm ngày lễ 14/2 thể hiện đường lối cứng rắn của Tehran, nhằm ngăn chặn sự lây lan của văn hóa phương Tây đối với quốc gia Hồi giáo này.

Dù chính phủ không có bất cứ lệnh cấm chính thức nào đối với ngày lễ Valentine nhưng rất nhiều chính trị gia lo ngại “cơn sốt phương tây” sẽ gây nhiều tác động đến văn hóa Ấn Độ.

Người đứng đầu đảng cánh hữu Sri Rama Sena của Ấn Độ tuyên bố, họ sẽ tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài những quán bar, các câu lạc bộ, trường đại học và cao đẳng có kế hoạch tổ chức kỉ niệm ngày Valentine.

Ngoài ra, người đứng đầu đảng này còn gọi ngày Valentine là xa lạ với nền văn hóa Ấn Độ, đồng thời là cơn sốt phương Tây. Việc tổ chức kỉ niệm ngày lễ này được coi là không đứng đắn, đồng thời việc bắt chước văn hóa phương Tây sẽ “làm hư trẻ em Ấn Độ”.

Các nhà chức trách Uzbekistan đã ra một lệnh cấm không chính thức đối với những hoạt động lãng mạn kỉ niệm ngày lễ tình yêu Valentine.

Hãng tin RIA-Novosti của Nga trích dẫn các phương tiện truyền thông địa phương cho biết, quốc gia Trung Á này đã tuyên bố hủy các buổi hòa nhạc cũng như những hoạt động kỉ niệm lễ tình nhân trên khắp đất nước.

Đây không phải lần đầu Uzbekistan thể hiện sự phản đối với ngày Lễ tình yêu Valentine. Năm ngoái, những hoạt động nhằm cấm ngày lễ tình nhân cũng đã được triển khai trên khắp đất nước vốn chủ yếu là người Hồi giáo này.

Ả-Rập Xê-Út đã ban hành lệnh cấm đối với tất cả những gì liên quan đến ngày lễ tình nhân, trong đó có cả việc cảnh cáo các chủ cửa hàng nếu bán những món quà và hàng hóa liên quan đến ngày Valentine.

Nguồn tin đăng tải trên tờ Thời báo Los Angeles cho biết, Cơ quan thực thi tôn giáo quốc gia được hỗ trợ bởi Ủy ban Khuyến khích Đạo đức và Ngăn ngừa đang tiến hành các biện pháp nhằm chống lại mối đe dọa đang ngày một phổ biến, đó là ngày Valentine.

Theo đó, bất kể vật dụng nào liên quan đến ngày lễ này như hoa, quà tặng, bánh kẹo và thậm chí là vật dụng có màu đỏ đều bị cấm bán.

Tuy nhiên, lệnh cấm cũng đã tạo ra cơ hội kiếm tiền rất lớn cho những chủ cửa hàng liều mình phạm luật. Giá một bông hoa hồng đỏ chỉ từ 1,3 USD đã được tăng lên tới 8 USD trong ngày Valentine, bởi vì có rất ít cửa hàng dám bán loại mặt hàng biểu trưng cho tình yêu này. Dù lãi lớn nhưng các chủ cửa hàng có nguy cơ bị phạt nặng nếu bị các nhà chức trách phát hiện.

Chính quyền ở Malaysia đã ban hành một quy định nhằm cấm những người Hồi giáo kỉ niệm ngày lễ tình nhân Valentine từ năm 2005. Theo đó, những người Hồi giáo phải tránh xa những hoạt động kỉ niệm ngày lễ tình nhân, đồng thời tiến hành bắt giữ những ai cố tình vi phạm điều lệnh này.

Theo VGP

  • Từ khóa