Thứ 7, 09/11/2024, 22:13[GMT+7]

Thế giới đứng trước nỗi lo "khát nước"

Thứ 3, 03/04/2012 | 08:19:31
2,762 lượt xem
Nguồn nước trên trái đất hiện đứng trước nguy cơ cạn kiệt do nhu cầu sử dụng gia tăng và hiện tượng biến đổi khí hậu.

Một trong số những giếng nước khoan ít ỏi cung cấp nguồn nước sạch quý giá cho người dân châu Phi.

Tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực. LHQ một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này.

Khoảng 890 triệu người trên trái đất không có khả năng tiếp cận  nước sạch, trong đó 40% tập trung chủ yếu ở các nước chậm phát triển và những nơi khí hậu diễn biến thất thường. Ít nhất 12 quốc gia ở Trung Ðông và Nam Á hiện ở trong tình trạng "khan hiếm nước tuyệt đối" và khoảng hai phần ba nguồn cung cấp nước ngọt tại Trung Ðông phụ thuộc các nước ngoài khu vực.

Dự báo đến năm 2050, thời điểm dân số thế giới cán mốc chín tỷ người, nhu cầu về nước sẽ tăng 55% và hai phần ba trong số đó sẽ phải sống trong điều kiện khó khăn về nước. An ninh nguồn nước cũng có mối quan hệ mật thiết với vấn đề an ninh lương thực. Thiếu nước có thể đe dọa trực tiếp "nồi cơm" của hàng tỷ người trên trái đất. Trong khi đó, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do những hoạt động của con người. Ðây là "kẻ thù" số một gây ra các loại bệnh đường ruột nguy hiểm gây tử vong cao nhất như thương hàn, tả, sốt xuất huyết, viêm gan...

Trong tổng số 136 triệu trường hợp tử vong hằng năm có tới 3,6 triệu người chết vì các bệnh do nguồn nước uống không an toàn, trong đó trẻ em dưới 14 tuổi chiếm 90%. Thiếu nước sạch không chỉ còn là vấn đề sinh thái, nó có thể dẫn đến những cuộc xung đột nhằm sở hữu nguồn tài nguyên này.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước là do sử dụng quá nhiều nước trong hoạt động sản xuất lương thực. Tổng Giám đốc UNESCO I.Bô-cô-va cho biết, với dân số bảy tỷ người và dự kiến tăng thêm hai tỷ người vào năm 2050, nhu cầu lương thực sẽ tăng thêm 70%, kéo theo nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng ít nhất 19%.

Hiện lượng nước sử dụng cho nông nghiệp đã chiếm 70% lượng nước sạch toàn cầu. Con người đã khai thác triệt để nguồn nước ngầm và ở một số khu vực nguồn tài nguyên này đã giảm mạnh ở mức báo động. Trong khi đó, một phần tư đất nông nghiệp thế giới bị thoái hóa do thâm canh nông nghiệp làm cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, giảm chất lượng hoặc xói mòn đất. Tình trạng sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước ô nhiễm, đe dọa trực tiếp môi trường sống và sức khỏe của con người.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đẩy nhu cầu dùng nước sinh hoạt tăng mạnh và sử dụng lãng phí cũng là những tác nhân vắt kiệt nguồn tài nguyên này.

Theo các chuyên gia môi trường, để khắc phục những khó khăn trên, cách thức đơn giản nhất là phải sử dụng hiệu quả nguồn nước còn lại. Theo đó, khi đánh giá về năng suất của ngành nông nghiệp cần tính tới cả hiệu quả sử dụng các yếu tố như đất đai, hóa chất và nguồn nước. Các quốc gia nên chú trọng phát triển những công nghệ thủy lợi mới để sử dụng nước hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ các nước cần có những chính sách quản lý chặt chẽ và bền vững nguồn nước nhằm giảm tác động của thảm họa thiên nhiên. LHQ đưa ra biện pháp "nông nghiệp bảo tồn" nhằm duy trì hệ sinh thái nông nghiệp để tăng năng suất và bảo đảm phát triển bền vững, tăng lợi nhuận và an ninh lương thực trong khi vẫn có thể bảo vệ môi trường và nguồn nguyên liệu.

Ngoài ra, LHQ cũng kêu gọi người dân trên thế giới tích cực bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tăng cường áp dụng công nghệ tái chế nước thải và thay đổi chế độ ăn uống nhằm bảo vệ nguồn nước cho tương lai.

Khan hiếm nguồn tài nguyên nước sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp nhu cầu của con người mà còn dẫn đến những hệ lụy khác như nghèo đói, bệnh tật và xung đột tranh giành quyền kiểm soát nguồn nước giữa các quốc gia. Ðã đến lúc chính phủ các nước đưa ra những giải pháp khẩn cấp để bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Theo Báo Nhân dân

  • Từ khóa