Thứ 7, 09/11/2024, 22:36[GMT+7]

Giếng Ngọc ở đền vua Hùng

Thứ 6, 20/04/2012 | 15:12:22
3,211 lượt xem
Đền Giếng là một trong bốn kiến trúc chính của khu di tích đền Hùng nằm trong một không gian thiên nhiên xinh đẹp. Bên trong cổng đền cổ kính có hồ sen rộng liễu rũ ven bờ, nhiều bóng cây rợp mát cho du khách nghỉ chân và cảm nhận sự khoáng hoạt giữa thiên nhiên và không gian di tích, quên đi cái mệt mỏi sau chặng đường lên, xuống núi thấm đẫm mồ hôi.

Cổng vào đền Giếng, khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ.

Cũng như ở các điểm du lịch hành hương nổi tiếng khác ở miền Bắc, du khách đến đây được chào mời đổi tiền lẻ để bỏ vào rất nhiều nơi... cúng, cầu tài, cầu lộc cho mình. Bạn chỉ cần bỏ ra một tờ giấy bạc 100 ngàn đồng để đổi lấy 80 ngàn đồng, nhưng là một xấp dày cộp những tờ bạc mệnh giá 200 đồng hoặc 500 đồng, loại tiền thật nhưng không còn giá trị trong đời thực nữa.

 

Đền Giếng nằm ở cuối hành trình thăm khu di tích đền Hùng của chúng tôi. Cửa đền luôn mở rộng, tiếng mời gọi rất ngọt ngào của những người giữ đền khi thấy chúng tôi đến: “Bác vào soi mặt giếng Ngọc lấy may đi bác nhé!”. Ôi, đã tới đây sau một một buổi leo lên tận đỉnh núi rồi trở xuống, sao lại không vào đền để soi mặt tại giếng Ngọc, chiếc giếng của những truyền thuyết từ hơn 2.000 năm trước.

 

Giếng Ngọc ở đây trông như một vật linh thiêng nằm ngay chính giữa trang thờ lộng lẫy, bờ đá không cao, chừng nửa mét bằng loại đá xanh cứng. Nguồn sáng tự nhiên từ trên hắt xuống, ánh sáng từ điện thờ hắt ra màu đỏ, mùi trầm hương quyện vào khiến cho ta có cảm giác một không gian huyền bí, thiêng liêng.

 

Truyền thuyết về chiếc giếng Ngọc này có từ đời Hùng Vương thứ 18. Trong một lần vua cùng quần thần lên núi Nghĩa Lĩnh làm lễ tế đất trời thì các nàng công chúa cùng nhau ngoạn cảnh. Khi các công chúa đi về phía đông nam núi Nghĩa Lĩnh, họ gặp một vũng nước rất trong; hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa đã dừng chân và soi ngắm dung nhan trên mặt nước trong veo ấy. Hai nàng công chúa cũng đã lấy nước từ vũng nước này uống thử và khen rất ngọt, mát. Từ đó, họ thường lui tới thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên và soi mặt ở vũng nước trong này.

formulas>

 

Hồ sen trước mặt đền Giếng.

 

Vào thế kỷ XVII, đền Giếng được xây dựng, vũng nước trong ấy được xây thành một cái giếng nằm trong ngôi đền như bây giờ và được gọi là giếng Ngọc. Do địa hình giếng Ngọc có mạch tụ nước, đáy giếng là đá cứng và có nhiều sỏi nhỏ khiến cho nước giếng quanh năm trong vắt.

 

Những người từng viếng đền Hùng trước đây bảo rằng khi đến giếng Ngọc, du khách sẽ được người giữ đền múc nước giếng lên mời uống và thậm chí có thể dùng để rửa mặt hoặc mang về. Ai cũng bảo nước giếng ngọt, mát như được ướp lạnh. Chính vì vậy mà sự nao nức tìm đến giếng Ngọc khi đến đền Hùng càng làm cho bước chân chúng tôi khỏe hẳn lên khi đến gần đền Giếng.

 

Một người đàn ông trong bộ áo dài đen, khăn đóng kiểu cổ truyền bảo chúng tôi soi mặt vào giếng Ngọc. Ông cũng giải thích rằng, soi mặt vào đó sẽ đạt những ước nguyện và gặp điều may mắn. Nhưng khi cúi nhìn vào giếng, chúng tôi không thấy nước đâu mà chỉ thấy một tấm lưới kim loại bịt kín hoàn toàn miệng giếng, trên tấm lưới là những tờ giấy bạc lẻ của khách hành hương thả vào.

 

Thành giếng làm bằng đá xanh đẽo nguyên khối.

 

Đang còn ngơ ngẩn vì thấy cái giếng bị bịt kín, khác hẳn với những điều từng nghe nói về giếng Ngọc ở đền Hùng và chưa nghĩ ra cách làm thế nào để uống được nước giếng, chúng tôi đã nghe một cô gái ở chái nhà bên cất giọng từ tốn: “Mời các anh qua đây uống nước giếng Ngọc lấy vận may”. Nỗi tò mò khiến chúng tôi bước sang. Tại đây có rất nhiều chai nhựa đã chứa sẵn nước, có sẵn những chiếc tách nhỏ để nước giếng Ngọc cho khách tham quan uống thử. Tôi uống thử một chén nước, rồi bỏ năm ngàn đồng vào chiếc khay, “thỉnh” một chai nước giếng về. Rất nhiều người khác hôm ấy cũng tỏ ra hài lòng khi “thỉnh” được chai nước giếng như tôi.

 

Đền Giếng là một trong bốn kiến trúc chính của khu di tích đền Hùng nằm trong một không gian thiên nhiên xinh đẹp. Bên trong cổng đền cổ kính có hồ sen rộng liễu rũ ven bờ, nhiều bóng cây rợp mát cho du khách nghỉ chân và cảm nhận sự khoáng hoạt giữa thiên nhiên và không gian di tích, quên đi cái mệt mỏi sau chặng đường lên, xuống núi thấm đẫm mồ hôi.

 

Chuyến viếng thăm đền Hùng ấy để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc đẹp; trừ một chút băn khoăn về chuyện cái giếng Ngọc bị bịt miệng. Nhưng đến khi nghe anh hướng dẫn viên từng đưa khách đến đây nhiều lần, nói với tôi: “Anh không thấy giếng Ngọc bị khoá rồi à? Nước trong chai đó họ lấy ở hồ sen thôi”. Tôi giật mình: Ừ nhỉ, sao mình thấy mà cũng như không thấy vậy nhỉ? Chắc tại mình vẫn cả tin con người, tin những điều thiêng liêng, tốt đẹp mà quên rằng những trò ma mãnh đã trở nên "lẽ thường" trong cuộc sống hôm nay. Nghĩ thế, tôi chợt thấy nhẹ lòng và lấy cả chai nước "giếng Ngọc" đổ lên đầu cho... hạ hỏa.

Theo Saigon online

 

 

  • Từ khóa