Thứ 7, 09/11/2024, 22:13[GMT+7]

Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy tỉnh

Thứ 6, 16/10/2020 | 09:51:56
1,612 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để Thái Bình hôm nay mang một diện mạo mới, sức sống mới và sẵn sàng đón những cơ hội mới.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nhiều người dân xã Tân Phong (Vũ Thư) nâng cao thu nhập.

Chào đón nhà đầu tư với những chính sách ưu đãi thông thoáng

Xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là giải pháp tạo động lực để tăng cường đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, thực hiện bước đột phá tăng trưởng về quy mô giá trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả nền kinh tế, trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020. 

Theo đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, Thái Bình còn tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng đất đai ổn định. Đến với Thái Bình, nhà đầu tư được hỗ trợ toàn diện, ngoài chính sách chung của Chính phủ, tỉnh còn nhiều chính sách hỗ trợ khác đồng thời bảo đảm cung cấp ổn định các dịch vụ điện, nước, viễn thông, tín dụng, ngân hàng... phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình; trong đó, chú trọng tăng cường xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong Khu kinh tế. Nhờ vậy mà thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua tăng nhanh. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã có thêm 618 dự án đăng ký đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.888 tỷ đồng, tăng 79,4% về số lượng dự án và tăng 2,4 lần về vốn đầu tư so với giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất đã thu hồi tại các khu công nghiệp đạt 93,5%, cụm công nghiệp đạt 68,3%. Đối với Khu kinh tế Thái Bình, đến nay, tỉnh đã chấp thuận tài trợ nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 15 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong Khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 5.000ha; lựa chọn được 4 nhà đầu tư trọng điểm, phê duyệt 4 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, cấp phép đầu tư cho 1 nhà đầu tư thứ cấp.

Nông nghiệp và nông thôn khởi sắc

Nhằm thực hiện nhiệm vụ “cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một số nghị quyết về: tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030... Các nghị quyết được ban hành đều được cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, trên cơ sở kiểm tra việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế của các địa phương, đơn vị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng, bổ khuyết và thực hiện các giải pháp cụ thể theo chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh và phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị. Các cấp ủy đã chỉ đạo tập trung thực hiện 5 đột phá trong nông nghiệp gắn với tập trung, tích tụ đất đai, ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trong sản xuất nông nghiệp đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 80%. Các loại hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được đẩy mạnh triển khai; xuất hiện nhiều hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để tổ chức sản xuất với quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao; các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản theo hình thức tập trung, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng; chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết bước đầu được chú trọng. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được 3.526ha đất trồng lúa kém hiệu quả, tăng 2.620ha so với năm 2015; góp phần nâng giá trị sản phẩm bình quân đạt 160 triệu đồng/ha đất trồng trọt và 290 triệu đồng/ha nuôi trồng thủy sản, cao gấp 1,3 - 1,4 lần so với năm 2015. Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh duy trì thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã, các huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù của các địa phương, tạo động lực mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt 3 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Dự kiến hết năm 2020 toàn tỉnh có 14 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Cùng với tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa - xã hội. Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nghị quyết trở thành nền tảng tinh thần, hành trang và động lực cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong học tập, lao động, sản xuất, tạo lập sự nghiệp, tạo dựng cuộc sống. Có thể khẳng định, các nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trong nhiệm kỳ qua là những đòn bẩy quan trọng tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Ông Nguyễn Huy Phóng, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xã Thụy Chính đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Xã đã huy động trên 84 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó nguồn xã hội hóa và cộng đồng dân cư đóng góp trên 30 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,65%. Cuối tháng 8/2020, xã Thụy Chính được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019.

Ông Lương Mạnh Hùng, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải

Đông Lâm là 1 trong 16 xã của huyện Tiền Hải nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình. Tôi cũng như nhiều người dân địa phương đều rất kỳ vọng vào sự phát triển của Khu kinh tế để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Tôi rất đồng tình, phấn khởi khi tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, trong đó đề ra mục tiêu, thời gian cụ thể để hoàn thành các công việc; nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để Khu kinh tế Thái Bình sớm đi vào hoạt động, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Đào Quyên