Chủ nhật, 10/11/2024, 05:48[GMT+7]

Góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thứ 2, 02/11/2020 | 09:40:40
1,494 lượt xem

Ông Bùi Quang Hộ, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong đó nêu bật và khẳng định vai trò, động lực của khoa học, công nghệ (KHCN) trong phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới KHCN, có nhiều cơ chế, chính sách phát triển KHCN để KHCN là đòn bẩy vững chắc phát triển kinh tế - xã hội. Việc chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một minh chứng rõ nét trong chủ trương, định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước về KHCN. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng quan tâm tới đội ngũ trí thức khoa học, có nhiều chính sách tập hợp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ này. Dự thảo Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó có đề cập đến phát triển một số ngành KHCN mũi nhọn. Để thực hiện giải pháp này, theo tôi cần lựa chọn những ngành mũi nhọn sao cho phù hợp với thực tiễn, tập trung vào ngành có lợi thế, không đầu tư dàn trải; xác định rõ và có định hướng cụ thể với những ngành mũi nhọn trước mắt và lâu dài; đồng thời, tận dụng kết quả KHCN của các nước đi trước đã nghiên cứu, ứng dụng thành công để áp dụng vào thực tế đất nước. Hiện nay, có một số đề tài, nghiên cứu được đánh giá hiệu quả, tính ứng dụng, nhân rộng cao song chưa được áp dụng vào thực tiễn. Do đó, tôi mong Đảng và Nhà nước tiếp tục có chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc ứng dụng các đề tài, giải pháp hiệu quả vào thực tiễn giúp người dân được hưởng lợi từ sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bà Phạm Thị Như Phong, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có đề ra nhiệm vụ “Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân” tôi cho rằng Báo cáo đã đề cập đến một nhiệm vụ rất cấp thiết, liên quan trực tiếp đến tư tưởng, đời sống, việc làm, chế độ, quyền lợi, mong muốn của người lao động. Thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, ở khổ 2, mục 1, phần XII của dự thảo Báo cáo chính trị theo tôi cần bổ sung cụm từ “tuyên truyền”: “...Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân...”. Vì công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong những chức năng cơ bản của tổ chức công đoàn để người lao động tiếp nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... một cách đầy đủ, nhất là hiện nay sự phát triển của mạng xã hội tác động không nhỏ đến tư tưởng của công nhân lao động.


Bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vũ Thư

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng ở nội dung: Trong phần XV - Những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, ở mục 1 - Những nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ 1 có nêu: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng... chế độ xã hội chủ nghĩa”. Theo tôi, nên sắp xếp lại như sau: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nghiên cứu dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), tôi nhất trí với đánh giá và xây dựng mục tiêu định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tôi xin đóng góp ý kiến: Trong phần IV - Các đột phá chiến lược, ở nội dung 1 có đoạn “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập...”, theo tôi nên bỏ từ “đầy đủ”.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa