Thứ 5, 14/11/2024, 23:41[GMT+7]

Bình Định: Tạo đột phá từ phát triển kinh tế

Thứ 4, 07/04/2021 | 09:52:50
7,785 lượt xem
Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy xã Bình Định (Kiến Xương) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, các ban, ngành, đoàn thể xã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến và hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Hàng năm, xã Bình Định đều quy vùng liên kết sản xuất lúa hàng hóa.

Ông Trần Tuấn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trên tinh thần tiếp thu những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kiến Xương lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã bổ sung hoàn chỉnh, ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và xây dựng chương trình làm việc, chương trình giám sát toàn khóa; phân công từng đồng chí trong cấp ủy phụ trách các lĩnh vực và phụ trách các chi bộ. Bên cạnh đó, Đảng ủy cũng triển khai học tập, quán triệt nghị quyết và chương trình hành động thực hiện nghị quyết tới tất cả cán bộ, đảng viên, tuyên truyền tới từng người dân. Bình Định phấn đấu tổng giá trị sản xuất đến năm 2025 đạt trên 839 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% và đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Để thực hiện mục tiêu này, Đảng ủy đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện cụ thể trên từng lĩnh vực ngay từ đầu nhiệm kỳ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp và duy trì các vùng quy hoạch sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa quy mô lớn gắn với tích tụ ruộng đất, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao để tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Trong sản xuất công nghiệp, duy trì hoạt động ổn định các công ty, cơ sở sản xuất hiện có, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đẩy mạnh giao lưu trao đổi hàng hóa, mở rộng thị trường, khai thác tiềm năng và thế mạnh của chợ và lợi thế khu trung tâm xã.

Để thực hiện những nội dung trên, UBND xã chủ trì xây dựng các đề án và kế hoạch thực hiện về lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới. Giao HTX SXKD DVNN chủ trì xây dựng các đề án phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã. 

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Xác định được vai trò trọng tâm phát triển kinh tế là sản xuất nông nghiệp nên ngay từ đầu nhiệm kỳ HTX đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Tham mưu Đảng ủy, UBND xã xây dựng và tổ chức thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị trong hợp đồng kinh tế. Trong đó, HTX ký kết với doanh nghiệp, lãnh đạo thôn, người dân tự thỏa thuận, quyết định về phương thức thanh toán, giá thu mua. Tuyên truyền các thành viên đổi mới tư duy sang sản xuất kinh tế nông nghiệp, lấy giá trị kinh tế là chính. HTX hỗ trợ tìm kiếm đầu ra, điều chỉnh đầu vào, các thành viên tự quyết định lựa chọn phương thức sản xuất và sản phẩm nông nghiệp. 

Với cách làm trên, đến nay Bình Định không chỉ giữ vững danh hiệu là đơn vị có năng suất lúa cao trong huyện mà còn liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa với nhiều doanh nghiệp đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Năm 2020 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn song Bình Định vẫn duy trì liên kết với các doanh nghiệp sản xuất 314ha lúa giống và 97,1ha mô hình giảm phát thải khí nhà kính. Năng suất lúa cả năm đạt 135,2 tạ/ha, tổng sản lượng lúa đạt 7.435 tấn, đạt giá trị trên 80 tỷ đồng, trong đó sản lượng lúa giống và lúa hàng hóa đạt 657 tấn, đạt giá trị trên 5,3 tỷ đồng. HTX SXKD DVNN duy trì ổn định 14 loại hình dịch vụ, trong đó nhiều dịch vụ mang tính chất phục vụ nhân dân và điều tiết bình ổn giá, sản phẩm, bảo đảm quyền lợi cho người dân không bị ép giá. Trong phát triển công nghiệp, Bình Định duy trì 5 doanh nghiệp và 10 cơ sở sản xuất tạo việc làm cho người dân trong lúc nông nhàn. Đặc biệt, số lao động có tay nghề của địa phương ngày càng tăng cao. Trong tổng số 4.300 lao động trong độ tuổi lao động có khoảng 3.000 lao động làm nghề may công nghiệp, nghề xây dựng, cơ khí, mộc, nghề phụ tại địa phương có thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên. Những kết quả đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn góp phần đưa tổng giá trị sản xuất năm 2020 của Bình Định đạt trên 527 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với năm 2019.

Với những nỗ lực, quyết tâm vào cuộc ngay từ sớm của cấp ủy, chính quyền xã, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tin rằng Bình Định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Thu Thủy