Chủ nhật, 24/11/2024, 01:28[GMT+7]

Một vài suy nghĩ về công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

Thứ 2, 19/04/2021 | 11:02:59
2,021 lượt xem

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, đồng thời là những người đã tham gia quá trình xây dựng các Văn kiện Đại hội cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.

Tham dự hội nghị và nghiên cứu các Văn kiện Đại hội, tôi có một vài suy nghĩ và kiến nghị về công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng:

Vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Lâu nay, trong sinh hoạt đảng cũng như trong các văn kiện của Đảng, chúng ta quen với cụm từ “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”. Cụm từ “Đảng cầm quyền, năng lực cầm quyền của Đảng”  ít được đề cập.

Tuy nhiên, khái niệm đảng cầm quyền đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đề cập từ rất sớm. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng xác định: “Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo”.

Chúng ta đều biết, lãnh đạo là thuộc tính, là sức mạnh của Đảng, vì vậy phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Khi Đảng giành được chính quyền thì Đảng trở thành đảng cầm quyền và đương nhiên, cùng với việc nâng cao năng lực lãnh đạo phải nâng cao năng lực cầm quyền. Lãnh đạo và cầm quyền là hai khái niệm khác nhau nhưng thống nhất với nhau. Khi đã giành được chính quyền thì chính quyền là công cụ mạnh mẽ, sắc bén nhất để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội như Điều 4, Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã khẳng định.

Ở cấp độ địa phương, khi Đảng ta tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan; cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; bí thư cấp ủy là chủ tịch UBND ở những nơi có điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn; để tránh các khuynh hướng Đảng bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, đề nghị cấp trên tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới để bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên thống nhất nhận thức, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thực thi chức trách, nhiệm vụ.

Về công tác cán bộ

Bác Hồ kính yêu đã dạy chúng ta: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã từng nói: Xây dựng đội ngũ cán bộ là “then chốt của then chốt”.

Nghiên cứu mục III: “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 2, trang 227) với dung lượng 30 trang, có tới 6 lần nhắc đến cụm từ “cán bộ cấp chiến lược” và 19 lần nhắc đến cụm từ “người đứng đầu”, đủ thấy Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu.

Theo tôi, cán bộ cấp chiến lược phải là người có trí tuệ, tầm nhìn và năng lực vượt trội; có bản lĩnh, dũng khí, sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân, dám làm những việc chưa có tiền lệ với động cơ và mục đích vì cuộc sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước. Còn đối với người đứng đầu, ngoài các tiêu chuẩn chung, trước hết phải là người luôn có ý tưởng mới, mang tính dẫn dắt, mở đường; là một thủ lĩnh có khả năng kết nối, tập hợp lực lượng, thống nhất hành động; và sau cùng, phải là người biết truyền lửa, khích lệ, có năng lực tổ chức thực tiễn.

Đội ngũ cán bộ của Đảng hiện nay rất tốt, trung thành, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhưng số cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá mở đường, tìm tòi đổi mới sáng tạo chưa nhiều. Một số không đủ dũng khí và lý lẽ phản biện những chủ trương của tập thể khi chủ trương đó còn ẩn chứa những yếu tố chưa được làm rõ. Vì vậy, Trung ương cần ban hành cơ chế tạo môi trường, điều kiện, cơ hội để cán bộ phát huy sở trường, tài năng; đồng thời, trân trọng và tôn vinh những cán bộ mạnh dạn đổi mới sáng tạo; cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và sự phát triển của đất nước. Thực tế có những cán bộ bị xử lý hoặc có những việc “tự phát, làm chui” để bảo đảm cuộc sống của người dân khi lý luận chưa theo kịp với sự phát triển của cách mạng.

Vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Đảng khởi xướng và lãnh đạo đạt nhiều kết quả rất đáng phấn khởi, tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, có một thực tế là những vụ tham nhũng lớn đều do người dân tố cáo; báo chí, thanh tra, kiểm toán phát hiện. Những vụ do tổ chức đảng, đảng viên phát hiện chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu hoặc là có lợi ích nhóm chi phối, hoặc là sợ liên lụy đến bản thân và gia đình.

Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ đã được Đảng cảnh báo từ hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994). Các kỳ đại hội tiếp theo vẫn được Đảng chủ trương thực hiện quyết liệt hơn. Đại hội lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn...”.

Để tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả hơn, đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cùng với chỉ đạo nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, phải trân trọng lắng nghe, cân nhắc, nghiên cứu thấu đáo các ý kiến phản biện, trái chiều; phải ngăn chặn, xử lý người lợi dụng chống tham nhũng để vu khống làm mất đoàn kết nội bộ đi đôi với ban hành các cơ chế bảo vệ chặt chẽ người tố cáo đúng. Đồng thời, tiếp tục xử lý triệt để các vụ việc còn tồn tại và mới phát sinh, góp phần làm trong sạch bộ máy của hệ thống chính trị và làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

Nguyễn Văn Hán

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh