Thứ 3, 19/11/2024, 23:24[GMT+7]

Đối thoại tạo niềm tin Kỳ 4: Xây vững “cầu nối” Đảng, chính quyền với nhân dân

Thứ 5, 21/09/2023 | 07:44:18
9,442 lượt xem
Để nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành là cần xác định rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó có biện pháp khắc phục, góp phần xây vững “cầu nối” Đảng, chính quyền với nhân dân.

Thông qua tiếp xúc, đối thoại với người đứng đầu chính quyền địa phương, người dân xã Dân Chủ (Hưng Hà) hiểu hơn về chủ trương, từ đó tự nguyện phá dỡ tường bao, cổng dậu, hiến đất để mở rộng đường giao thông.

Tránh tình trạng “quyết toán” đối thoại

Khác với các năm trước, kết thúc tháng 4/2023, xã Dân Chủ (Hưng Hà) đã hoàn thành 2 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân hai thôn Phú Hội và Đan Hội. 

Theo ông Nguyễn Văn Nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã: Việc hoàn thành sớm giúp địa phương có thời gian giải quyết các đề xuất, kiến nghị của người dân chứ không dồn lại cuối năm như trước, hiệu quả giải quyết không cao. Bên cạnh đó, thay vì tổ chức tiếp xúc, đối thoại tại hội trường nhà văn hóa xã và mời đại diện người dân các thôn lên dự, xã đã chuyển địa điểm tiếp xúc, đối thoại về các thôn. Khi chuyển địa điểm về các thôn, người dân tham gia đông hơn, cán bộ có dịp gần gũi, lắng nghe được nhiều ý kiến của người dân hơn. 

Bà Phạm Thị Thịnh, thôn Hà Tiến chia sẻ: Trong cuộc đối thoại, người dân được nói lên ý kiến, suy nghĩ của mình trên tinh thần dân chủ, cởi mở, chân tình. Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề ở cơ sở được giải quyết nhanh chóng; người dân cũng hiểu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, từ đó tin tưởng, đồng thuận và nỗ lực cùng địa phương thực hiện.

Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà cho biết: Vấn đề mấu chốt để đánh giá hiệu quả tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, cũng là thước đo niềm tin của nhân dân chính là việc giải quyết các vấn đề đặt ra sau tiếp xúc, đối thoại. Qua kiểm điểm, đánh giá lại, chúng tôi thấy việc hoàn thành tiếp xúc, đối thoại sớm sẽ giúp cấp ủy, chính quyền có thời gian giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân, cuối năm tổng kết, đánh giá lại chứ không phải chỉ làm cho xong, cho có, giống như để “quyết toán” cuối năm cho đủ chỉ tiêu. Vì vậy, năm nay huyện yêu cầu tất cả các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn phải hoàn thành trước ngày 30/6, trừ đối thoại chuyên đề.

Đối thoại phải thực chất, hiệu quả

Theo bà Nguyễn Thị Thơm, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Sau 4 năm triển khai thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chưa tạo được không khí cởi mở, dân chủ, xây dựng, nội dung còn tập trung vào báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, chưa gợi mở để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Một số kiến nghị, đề xuất của nhân dân thông qua tiếp xúc, đối thoại chưa được giải quyết dứt điểm, do đó vẫn còn xảy ra tình trạng tập trung đông người, kiến nghị kéo dài, vượt cấp. Kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cơ sở sau tiếp xúc, đối thoại còn chung chung, chưa giao nhiệm vụ cụ thể giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Việc theo dõi, giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại chưa thường xuyên. Việc đánh giá sự hài lòng của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại chưa được quan tâm đúng mức...

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu, cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và thực hiện kết luận, đánh giá sự hài lòng của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực nhạy cảm tại một số cơ sở còn để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Sự phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nắm tình hình, dư luận nhân dân và giám sát quá trình thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại còn hạn chế. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở một số nơi còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “tư duy nhiệm kỳ”, để lại hậu quả tiêu cực khó khắc phục, giải quyết.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là: “Thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân và đối thoại với công dân; kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân và những vấn đề bức xúc mới nảy sinh ngay tại cơ sở”. Thông qua tiếp xúc, đối thoại để nắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao nhận thức, thực hiện tốt công tác tư tưởng cho cán bộ và nhân dân nhằm góp phần giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc, những vấn đề phức tạp... Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thơm, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Để nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và của nhân dân về tầm quan trọng của việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, chú trọng phát huy dân chủ theo phương châm “gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết với nhân dân”. Phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người dân trong công tác tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc, đối thoại phải trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, xây dựng, trách nhiệm, nghiêm túc tiếp thu và giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nhân dân quan tâm. Cần chú ý phát huy vai trò của người chủ trì cuộc tiếp xúc, đối thoại; dẫn dắt, gợi mở các vấn đề cấp ủy, chính quyền đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, những vấn đề nhân dân quan tâm, sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều. Các ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội chủ động phối hợp nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, phức tạp để tập hợp, tham mưu, đề xuất phương án, biện pháp, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động trong quá trình tổ chức tiếp xúc, đối thoại. Tăng cường giám sát thực hiện tiếp xúc, đối thoại, nhất là việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại. Quan tâm làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm tốt để tổ chức tiếp xúc, đối thoại ngày càng hiệu quả; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế tiếp xúc, đối thoại.

Theo Quy chế số 07-QC/TU, ngày 8/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

  • Cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức tiếp xúc, đối thoại ít nhất 1 lần/năm; cấp xã ít nhất 2 lần/năm và tổ chức tiếp xúc, đối thoại đột xuất khi cần thiết.
  • Đối tượng tiếp xúc, đối thoại: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
  • Chậm nhất 5 ngày làm việc sau cuộc tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân.
  • Chậm nhất 10 ngày làm việc sau cuộc tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị được phân công có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho địa phương, đơn vị, cá nhân có kiến nghị.

Đào Quyên - Thu Thủy

Tác phẩm tham dự giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023.