Thứ 6, 04/04/2025, 06:13[GMT+7]

Vũ Thư: Phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ 2, 31/03/2025 | 08:55:31
601 lượt xem
Phát triển sản xuất theo hướng tập trung, liên kết chuỗi, sản phẩm sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vũ Thư lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra cho lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được những chuyển biến tích cực.

Trang trại của anh Mai Huy Khởi, xã Vũ Hội (Vũ Thư) thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm.

Nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại

Nằm giữa cánh đồng thôn Phú Thứ, xã Vũ Hội, trang trại trồng cây ăn quả của anh Mai Huy Khởi không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn dần trở thành điểm du lịch trải nghiệm thú vị dành cho nhiều du khách. Với diện tích hơn 2,7ha, anh Khởi đang trồng hàng nghìn cây ăn quả các loại gồm: cam canh, cam lòng vàng, bưởi diễn, bưởi ruby Thái Lan, táo, nho, ổi, mít... Dẫn chúng tôi thăm mô hình ngập tràn cây trái, anh Khởi vui mừng chia sẻ: Vừa qua, sản phẩm ổi của trang trại đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là cơ hội để chúng tôi mở rộng, quảng bá sản phẩm; đồng thời cũng là nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục xây dựng mô hình theo hướng tạo ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, trang trại chỉ sử dụng phân hữu cơ và phun phòng bệnh cho cây bằng chế phẩm sinh học. Ngoài ra, tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động và được kiểm soát qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh giúp tiết kiệm nhiều nhân công, vì vậy tuy trang trại lớn song chỉ cần 4 lao động thường xuyên. Nhờ xây dựng được thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn nên hiện nay các sản phẩm của trang trại đều được các đầu mối cũng như người dân chủ động liên hệ đặt mua. Mỗi năm gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng từ trang trại.

Mỗi năm gia đình bà Hoàng Thị Hồng Thêu, xã Tân Lập (Vũ Thư) xuất bán khoảng 3 tấn cá Koi.

Cũng lựa chọn hướng đi chăn nuôi an toàn, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng, chị Tô Thị Thúy, thôn Tường An, xã Tân Hòa đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín trên khu vực chuyển đổi rộng 3ha của gia đình để nuôi gà đẻ trứng. Chị Thúy cho biết: Sau khi tham quan, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình chăn nuôi gà hiệu quả, tôi đã lựa chọn hình thức nuôi bán chăn thả trong chuồng lạnh. Mô hình nuôi gà này kinh phí ban đầu bỏ ra cao nhưng người nuôi rất yên tâm. Do nhiệt độ trong chuồng luôn được duy trì từ 22 - 26 độ C đã tạo ra môi trường ổn định để gà phát triển tốt, nâng tỷ lệ gà sống đạt trên 95% so với gà con, cao hơn 3 - 4 lần so với nuôi thường; tỷ lệ gà đẻ trứng cao và ổn định, có thể đạt 95%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt 80 - 85%. Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên việc chăm sóc gà rất đơn giản, gà nuôi không sợ bệnh mà lại phát triển nhanh. Việc sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm được hơn 70% công sức lao động và chi phí điện, nước rửa chuồng trại; đồng thời gia tăng nguồn thu từ phân gà thải ra để bán cho các trang trại trồng cây. Bên cạnh đó còn góp phần giảm triệt để mùi hôi của phân gà, không gây ô nhiễm môi trường. Ông Phạm Văn Nghị, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong cho hay: Trong quá trình làm việc tại trang trại, tôi thấy cơ bản các khâu đều được tự động hóa. Do có hệ thống cho ăn, nước uống tự động nên trại gà chỉ cần 2 - 3 nhân công là có thể đảm nhận hết công việc hàng ngày. Nuôi theo mô hình này con gà rất khỏe, chất lượng trứng tốt, sản phẩm sạch, ngon nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện mỗi ngày trại gà của chị Thúy thu về từ 10.000 - 18.000 quả trứng, với giá bán sỉ khoảng 2.000 - 2.200 đồng/quả cho thu nhập từ 20 - 38 triệu đồng/ngày từ tiền bán trứng. Ngoài tạo thu nhập cho gia đình, trại gà còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên.

Trại gà Lộc Khang của chị Tô Thị Thúy, xã Tân Hòa (Vũ Thư) có hệ thống cho ăn, nước uống tự động 100%.

Nâng cao giá trị

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Theo ông Bùi Gia Khánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vũ Thư: Đến nay, toàn huyện đã tích tụ được trên 1.400ha đất sản xuất (diện tích từ 1ha/hộ trở lên) với sự tham gia của gần 400 hộ dân; xây dựng 26 cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 1.000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất; đã hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân tránh được tình trạng “được mùa mất giá”. Hiện toàn huyện có trên 490ha đất sản xuất có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tập trung ở một số xã như: Trung An 130ha; Vũ Tiến 110ha; Vũ Vân 75ha... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng chú trọng phát triển mô hình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Hiện nay, 10 xã: Minh Lãng, Dũng Nghĩa, Tự Tân, Bách Thuận, Tân Hòa, Tân Phong, Song An, Vũ Hội, Hồng Phong, Trung An đã triển khai thành công mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với các sản phẩm chủ yếu là rau màu các loại, ổi, hòe, lúa gạo... Các vùng trồng này đã được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và mở ra cơ hội xuất khẩu.

Để góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, huyện Vũ Thư đã chỉ đạo tăng cường cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp; tập trung đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đường giao thông trục chính nội đồng, hệ thống kênh mương bảo đảm tiêu chí nông thôn mới nâng cao; tu bổ toàn bộ trạm bơm để chủ động tưới, tiêu; hỗ trợ giống cây trồng vụ đông; hỗ trợ giống mới, phân bón mới để khảo nghiệm trước khi nhân ra diện rộng... Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo hướng công nghiệp gắn liền với việc bảo đảm an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang mô hình trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch, tái cơ cấu và tích tụ đất đai. Tăng cường liên kết “4 nhà” trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hình thành và mở rộng các vùng sản xuất tập trung, vùng chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế trang trại, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Đào Quyên