Thứ 7, 23/11/2024, 10:29[GMT+7]

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba (26/10/1958 - 26/10/2023) Nam Cường kiên cường tiến bước

Thứ 4, 18/10/2023 | 08:18:23
6,977 lượt xem
Xã Nam Cường (Tiền Hải) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm năm 1962. Luôn mang trong tim lời Bác dặn, với tinh thần đoàn kết, vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Cường từng ngày phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng trù phú.

Toàn cảnh Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nam Cường (Tiền Hải).

Khắc sâu lời Bác dạy

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội III của Đảng năm 1960, mang tầm nhìn hướng biển, đầu năm 1961 huyện Tiền Hải thành lập tiểu đoàn khai hoang và hợp tác xã khai hoang Nam Cường. Ngày 19/4/1961, xã mới Nam Cường được hình thành mở đầu cho công cuộc khai hoang lấn biển. Tiểu đoàn tổ chức phân công lao động với 4 đại đội, gồm các đơn vị: quật đất lập thổ, làm nhà, vỡ hoang trồng lúa, sản xuất muối, đánh bắt cá.

Năm nay đã 94 tuổi song ký ức về một thời hào hùng lấy sức người vượt sức thiên nhiên hơn nửa thế kỷ trước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông Nguyễn Văn Đồng, thôn Chí Cường. 

Ông bồi hồi nhớ lại: Những ngày tháng đầu tiên trên miền đất mới là muôn vàn khó khăn, thử thách, thiên nhiên khắc nghiệt, nước mặn đồng chua, trăm bề thiếu thốn. Dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Ngô Đăng Ký, bao sức người đổ xuống đẩy lùi hoang hóa, quật đất, lập vườn, đào ao...; nhờ đó, đầm lầy um tùm cỏ lau cao quá đầu người ngày nào nhờ bàn tay cần mẫn khai phá đã thành ruộng vườn. Chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 4 - 12/1961, nhân dân đã khai phá được hơn 200ha, mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp trong đó có 90ha trồng lúa, hơn 100ha trồng cói và nuôi trồng thủy sản, dòng nước ngọt theo mương đào từ sông Lân đã ươm mầm cho vụ lúa đầu tiên cho thu hoạch hơn 100 tấn thóc. Ý chí quyết tâm và công sức bao người đã “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”, đặt nền móng vững chắc cho mảnh đất Nam Cường hiên ngang trước biển.

Vinh dự lớn lao đã đến với Đảng bộ và nhân dân Nam Cường, ngày 26/3/1962, mảnh đất kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió được đón Bác Hồ về thăm. Bác tặng Huy hiệu của Người cho các chiến sĩ thi đua, khen ngợi tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm quai đê, lấn biển mở rộng diện tích canh tác của cán bộ và nhân dân Nam Cường. Bác động viên nhân dân: Đồng bào đi khai hoang phải cố gắng lao động sản xuất thì mới nhanh chóng ổn định được đời sống. Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, các cháu đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc khó. Xã viên phải đoàn kết tốt với cán bộ, đảng viên thì mọi việc mới thành.

Ông Tạ Quang Bình, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường, người có vinh dự trong nhóm học sinh đón Bác Hồ về thăm xúc động chia sẻ: Lời Bác động viên “Đồng bào đi khai hoang, gian khổ không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc đầu có gian khổ, mọi người phải đoàn kết. Giống như dây chão được xe lại bằng nhiều sợi nhỏ. Dây lớn, không thể đứt được!” được tôi và người dân Nam Cường khắc cốt ghi tâm. Biển người đồng thanh hô vang: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!” cùng lời Cha già căn dặn như tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu tha thiết, là hành trang nâng bước chúng tôi qua những trận chiến đấu kiên cường nơi tiền tuyến, là lời cổ vũ, động viên người ở lại hậu phương ra sức thi đua lao động sản xuất để kiến thiết quê hương. Tình cảm của Bác được những người con vùng đất mới gìn giữ và lưu truyền như một báu vật tinh thần để vượt lên qua bộn bề gian khó. Chung một hoàn cảnh sống, chung ước vọng về tương lai tươi sáng, người Nam Cường từ khắp các làng quê tụ hội về đây khai hoang, lập nên làng xã, dù không phải cư dân hay dòng tộc bản địa nhưng đều lấy ngày Bác về thăm 26/3, ngày giỗ Bác 21/7 âm lịch hàng năm làm ngày “giỗ tổ”, ngày hội đại đoàn kết của cả xã. Vào những ngày này, người dân Nam Cường cho dù bận mải đến đâu, đi xa nơi nào cũng gác lại công việc, trở về để đoàn tụ bên gia đình, cùng nhau dâng nén hương thơm lên Đền thờ Bác, báo công với Bác, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc Bác kính yêu. Đây cũng chính là nét văn hóa đặc sắc của vùng đất nơi cửa biển.

Quả ngọt trên đất mặn

Ngày 5/9/1975, xã Nam Cường chính thức được thành lập theo Quyết định số 234/BT của Phủ Thủ tướng. Qua các thời kỳ lịch sử, người Nam Cường luôn mang trong tim lời Bác dặn “Muốn ăn quả phải trồng cây”, kiên cường vượt khó đi lên. Tuy không được chọn làm xã điểm nhưng với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường cùng với sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân, năm 2013, bằng chính nội lực của mình, Nam Cường là 1 trong 4 xã đầu tiên của huyện Tiền Hải đạt chuẩn nông thôn mới. Trái ngọt đã “tỏa hương” trên mảnh đất chua mặn hoang hóa ngày nào. Đời sống nhân dân ngày một ấm no, kinh tế đang từng bước phát triển, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội ngày càng đạt được nhiều thành tựu mới. Những con đường bê tông, đường láng nhựa thênh thang qua những thôn xóm trù phú, khang trang, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày, an ninh chính trị, vành đai biên giới biển được củng cố vững chắc.

Tận dụng lợi thế thiên nhiên với những con người cần cù, sáng tạo cùng đội tàu thuyền vươn khơi bám biển, Nam Cường tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh lúa hữu cơ, chuyên nuôi trồng thủy sản, ươm ngao giống, nuôi tôm công nghệ khép kín, sản lượng từ 5 - 6 tấn/ha, giá trị 600 - 700 triệu đồng/ha/năm. Xã chú trọng xây dựng mô hình liên kết, thực hiện tốt các chính sách, cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm như nước mắm, tinh dầu sả, tinh dầu hương nhu... của địa phương được đầu tư, phát triển thương hiệu theo hướng OCOP. Xã còn chú trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ với các nhà máy sản xuất nhựa xuất khẩu, gia công sứ vệ sinh thân thiện môi trường.

Thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, được sự đầu tư của tỉnh, huyện, ngày 19/5/2021, công trình Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công trên nền khu đền thờ cũ. Khu lưu niệm được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), công trình như biểu tượng trường tồn thể hiện lòng thành kính và biết ơn vô hạn của Đảng bộ, nhân dân Thái Bình nói chung, huyện Tiền Hải và xã Nam Cường nói riêng với Bác Hồ kính yêu. Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: Phát huy truyền thống quê hương, vinh dự và tự hào với Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng, mang tâm thế của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, tinh thần vượt khó và khát vọng đổi thay lớn lao của một vùng đất trẻ nơi cửa biển, năm 2023 Nam Cường tiếp tục đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao với các tiêu chí đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân gấp rút hoàn thiện.

Mảnh đất chua mặn ngày nào nay đang từng ngày “thay da đổi thịt”, sừng sững một vùng quê mới. Nam Cường - mảnh đất trẻ kiên cường trước biển.

 Nước mắm Tiền Châu xã Nam Cường được đầu tư phát triển sản phẩm OCOP.

Trịnh Cường