Thứ 7, 23/11/2024, 10:42[GMT+7]

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/ 19-5-2024) Học Bác về phong cách làm việc khoa học, hiệu quả

Chủ nhật, 19/05/2024 | 06:17:44
4,893 lượt xem
Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người đã để lại cho dân tộc và nhân loại. Trên cương vị Người đứng đầu Đảng và Nhà nước, lãnh tụ tối cao của cả dân tộc, Hồ Chí Minh đã có một phong cách làm việc khoa học, mẫu mực để tiến hành công tác và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng.

Bác Hồ làm việc tại Nhà 54 trong Khu Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước nguồn gốc nông dân, là con trai của cụ Phó bảng, ngay từ khi còn nhỏ, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nền giáo dục nho học. Điều đó đã sớm định hình trong con Người Hồ Chí Minh sự nền nếp, ngăn nắp, cần mẫn, nghiêm túc trong suy nghĩ và hành động. Những năm tháng tìm đường cứu nước ở nước ngoài, lao động kiếm sống, hòa mình trong phong trào công nhân ở những nước công nghiệp phương Tây đã tạo ra và hình thành ở Người phong cách làm việc khoa học, biết quý trọng thời gian và sắp xếp công việc hằng ngày theo một kế hoạch cụ thể, hợp lý để hoàn thành công việc có hiệu quả cao nhất.

Trở thành Người đứng đầu Đảng và Nhà nước, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh thể hiện đậm nét và sâu sắc trong cách giải quyết công việc hằng ngày, trong muôn vàn mối quan hệ với cán bộ, đảng viên, với đồng bào, đồng chí. Trước hết, đó là tác phong làm việc đi sâu, đi sát, điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là chìa khoá phát triển công việc và giúp cho cán bộ tiến tới”(1). Điều đó có nghĩa là, khi ra quyết định công tác, hay khi định ra cách tổ chức thực hiện, cán bộ không được ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng mà không đi sâu sát thực tế.

Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ làm việc gì cũng phải có kế hoạch và mục đích. Theo Hồ Chí Minh, để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ phải “phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”(2). Tính khoa học phải được thể hiện từ lúc ra quyết định, tới việc tổ chức thực hiện quyết định và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định.

Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, Hồ Chí Minh dạy phải biết lựa chọn cán bộ và sử dụng cán bộ một cách chí công vô tư, sâu sát với thực tiễn. Khi giao công tác cho cán bộ thì phải làm cho họ an tâm công tác, vui thú công tác. Quá trình người cán bộ thực hiện nhiệm vụ thì phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ trên xuống và từ dưới lên một cách có hệ thống. Có như vậy mới đánh giá được hoạt động của cán bộ, đảng viên và còn đánh giá được những chủ trương, chính sách đề ra có đúng hay không?

Một trong những nét nổi bật trong phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý. Người vừa làm việc vừa tự học hỏi để trau dồi và nâng cao kiến thức đáp ứng với những yêu cầu mới trong công việc hàng ngày đặt ra. Người thường nhắc nhở cán bộ: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(3).

Từ thực tiễn cuộc sống và hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chuẩn mực về phong cách làm việc, đây là những bài học thực tiễn sâu sắc đối với mỗi con người Việt Nam, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có một phong cách làm việc khoa học, hiện đại và hiệu quả để góp phần đưa đất nước phát triển.

VŨ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 5, tr.283

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 5, tr.332

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.10, tr.377

Theo: qdnd.vn