Thứ 7, 23/11/2024, 10:24[GMT+7]

Khơi nguồn sức mạnh từ học Bác

Chủ nhật, 19/05/2024 | 06:49:46
6,236 lượt xem
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, khơi nguồn sức mạnh trong nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Diện mạo đô thị sáng, xanh, sạch đẹp của thành phố Thái Bình.

Phát huy sức mạnh nội lực

Nhiều năm gắn bó với phong trào địa phương, ông Phạm Văn Vĩnh, Bí thư Chi bộ thôn Thượng Phúc, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Đặc biệt, khi địa phương triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ngã tư UBND xã An Ấp đi cầu Ổ, xã An Vinh, gia đình ông đã đồng thuận hiến 18,5m2 đất thổ cư, đồng thời tháo dỡ tường bao, cắt mái, phá bỏ một phần tường nhà mới xây dựng để hiến đất làm đường. Ông Vĩnh chia sẻ: Tôi luôn tâm niệm bản thân mình là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, có như vậy quần chúng nhân dân mới hưởng ứng làm theo như Bác từng nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, đặc biệt là phát huy ý chí tự lực, tự cường để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Thấm nhuần quan điểm đó nên khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường, tất cả các hộ dân có đất nằm trong quy hoạch tuyến đường đi qua đều đồng thuận và tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất ở và đất nông nghiệp cùng tài sản trên đất để làm đường. Theo ông Nguyễn Văn Đề, Bí thư Đảng ủy xã: Những năm qua, xã An Ấp luôn chú trọng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, coi đây là yếu tố quan trọng, then chốt để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh lãnh đạo địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Hàng năm, Đảng ủy tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy sức mạnh, nguồn lực, ý chí của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng dân cư nêu cao ý chí quyết tâm phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trong quá trình thực hiện luôn đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đồng thời chú trọng việc học và làm theo Bác bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Nhờ vậy, thời gian qua, xã An Ấp đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu đề ra đều hoàn thành. Hiện nay, địa phương có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối toàn diện; kinh tế phát triển; thu nhập bình quân của người dân đạt 68 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Diện mạo nông thôn mới nâng cao của xã An Ấp (Quỳnh Phụ).

Nhân lên sức mạnh tổng hợp

Theo ông Phạm Xuân Biền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Thời gian qua, việc học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Bám sát chuyên đề toàn khóa và chuyên đề hàng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tập trung triển khai với quyết tâm chính trị cao, trở thành động lực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, phát huy tối đa nội lực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ. Việc triển khai xây dựng kế hoạch học tập chuyên đề toàn khóa và hàng năm được các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo triển khai ngay từ quý IV của năm trước với những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong đó, nội dung đăng ký học và làm theo Bác của tập thể đều gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nổi bật hoặc những khó khăn, vướng mắc. Nội dung đăng ký của cá nhân tập trung vào việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn; rèn luyện tác phong, phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gương mẫu, mình vì mọi người, mọi người vì mình; tiết kiệm trong tiêu dùng, sinh hoạt, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện... Qua các phong trào thi đua yêu nước, các chi bộ, đảng bộ cơ sở, đoàn thể đã lựa chọn những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các tập thể, cá nhân để bồi dưỡng, xây dựng thành mô hình tiêu biểu và đăng ký với cấp ủy để theo dõi, giám sát và triển khai nhân rộng. Các cấp, ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào thi đua trong học tập và làm theo Bác, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng sôi nổi, qua đó khơi thông mọi nguồn lực, đặc biệt là khơi nguồn sức mạnh trong nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.

Người dân thôn Thượng Phúc, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập.

Vì vậy, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn song kinh tế của tỉnh vẫn giữ vững được đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 6,68%, năm 2022 tăng 9,52%, năm 2023 tăng 7,37%. Tỉnh đã triển khai thành công chương trình nước sạch nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 181 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP; 170 xã đăng ký thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” và được UBND tỉnh phê duyệt với tổng chiều dài 1.356,453km. Tính đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 29 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp; nhiều dự án lớn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả nổi bật, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được triển khai kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của quốc gia, tạo thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp.

Thành phố Thái Bình.


Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, nhân viên BHXH tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Hàng năm, BHXH tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Số người tham gia BHXH, BHYT năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay đạt 90,4% dân số. Trong 3 năm qua, BHXH tỉnh đã giải quyết, thanh toán chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho khoảng trên 7 triệu người và lượt người hưởng với số tiền gần 23 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đúng quy định, kịp thời, đầy đủ, an toàn; không để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước. Nhiều tập thể, cá nhân đã đạt thành tích xuất sắc được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Ông Phạm Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Phú Châu (Đông Hưng)

Đảng ủy xã Phú Châu chú trọng tuyên truyền các điển hình, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học và làm theo Bác; tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký, xây dựng kế hoạch rèn luyện trong năm; định hướng việc “làm theo” Bác phải cụ thể, thiết thực, hướng tới phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Một trong những chuyển biến rõ nét nhất thời gian qua ở Phú Châu là Đảng bộ xã đã lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao... Qua đó đã tạo sự chuyển biến trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội ở địa phương. Trong đó cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,54%; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Xã 5 năm liền được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

 Đào Quyên