Thứ 2, 19/05/2025, 12:56[GMT+7]

Nam Cường: Khắc ghi lời Bác dạy

Thứ 2, 19/05/2025 | 08:58:10
318 lượt xem
Ngày 26/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Nam Cường (Tiền Hải). Chuyến thăm tuy ngắn nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân, trở thành mốc son thiêng liêng trong lịch sử địa phương. Hơn sáu thập kỷ trôi qua, lời dặn dò giản dị mà sâu sắc của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Nam Cường hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu với diện mạo khang trang, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Nam Cường (Tiền Hai).

Dấu ấn không phai trong lòng người dân

Ở tuổi 84, ông Phạm Xuân Khoát, thôn Chí Cường vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khó thuở đi khai hoang lấn biển. Ông cho biết: Khi ấy, chúng tôi phải đi gánh từng gánh đất, san chỗ cao, lấp chỗ trũng, đắp đê chắn sóng, mỗi ngày chỉ mong có thêm vài thước ruộng để cấy lúa. Hoàn cảnh lúc đó khổ lắm, nhưng ai cũng quyết tâm. Khi nghe tin Bác Hồ về, cả làng vỡ òa, người dân kéo nhau đến đón Bác đông như trẩy hội. Ông bồi hồi nhớ lại lời Bác nói: “Được biết đồng bào Nam Cường có nhiều thành tích trong khai hoang lấn biển, hôm nay tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm đồng bào”, cả biển người đồng thanh hô vang “Bác Hồ muôn năm”. Khi ấy, giữa gian khó, lời động viên của Bác như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chúng tôi vượt lên số phận, quyết tâm chinh phục thiên nhiên, biến vùng đất lau lách thành ruộng đồng trù phú.

Ông Tạ Quang Hãn, thôn Chí Cường, hơn 70 tuổi, xúc động nhớ lại: Ngày Bác về tôi còn là học sinh tiểu học, hôm đó được nhà trường cho đi đón Bác. Hình ảnh người dân từ các xã lân cận đổ về tuyến đê để gặp Bác vẫn in sâu trong tâm trí tôi. Bác rất giản dị, gần gũi, hỏi thăm chúng tôi bằng những câu thân thương. Bác nói: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam. Cam trồng bằng hạt thì 5 năm có quả, cam chiết 3 năm có quả. Muốn có nhà thì phải trồng gỗ, trồng xoan 5 năm sẽ có gỗ làm nhà”. Nghe Bác dặn, tôi như hiểu ra cả chân lý sống.

Những lời căn dặn giản dị nhưng đầy ẩn ý ấy đã trở thành bài học lớn về tầm nhìn, về sự kiên trì và tư duy phát triển bền vững. Cũng trong chuyến thăm ấy, Bác đã tặng Huy hiệu Chiến sĩ thi đua cho một số cán bộ và đến thăm nhiều gia đình. Bác căn dặn: “Đi khai hoang, gian khổ không kém gì chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc đầu khó khăn, mọi người phải đoàn kết, như sợi dây chão se lại từ nhiều sợi nhỏ, thành dây lớn thì không thể đứt được”.

Những tư liệu, hình ảnh Bác Hồ về thăm xã Nam Cường.

Từ bãi bồi lau lách đến miền quê trù phú

Nam Cường hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Từ vùng đất hoang hóa, chim bay không chỗ đậu, địa phương đã trải qua 4 lần chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Từ trồng lúa sang trồng cói, rồi lại quay về trồng lúa chất lượng cao và nay phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Ông Mai Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Chúng tôi luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một quá trình liên tục, gắn với hành động cụ thể. Trong giai đoạn 2021 - 2025, xã tập trung phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh địa phương, Nam Cường đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10 - 12%/năm, thu nhập bình quân đạt trên 80 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,35%, hộ khá, giàu chiếm tới trên 60%. Địa phương đã đạt chuẩn NTM năm 2013, đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 và đến nay đã về đích xã NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, Nam Cường được quy hoạch nằm trong Khu kinh tế ven biển, với định hướng phát triển mạnh dịch vụ, thương mại, nông nghiệp hàng hóa và sản xuất thủy sản chất lượng cao. Xã tập trung đầu tư đồng bộ về giao thông, thủy lợi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản bền vững.

Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường chia sẻ: 63 năm qua, lời dạy của Bác luôn là ngọn đèn soi đường cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tinh thần đoàn kết, quyết tâm, vượt khó đã ăn sâu vào “máu thịt” người dân Nam Cường. Đó là thứ tài sản vô giá mà không phải nơi nào cũng có được. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, Nam Cường còn chú trọng gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa. Địa phương đã xây dựng Đề án “Văn hóa người Nam Cường” nhằm tạo dựng bản sắc riêng, khẳng định vị thế của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, nơi Bác Hồ từng đặt chân đến. Hàng năm, xã tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 26/3 để kỷ niệm ngày Bác về thăm. Ngoài ra, vào ngày 19/5, địa phương tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Bác và ngày 21/7 âm lịch tổ chức lễ giỗ Bác. Đây là nét đẹp văn hóa độc đáo, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thu hút đông đảo nhân dân và con em xa quê về tham dự.

Nam Cường hôm nay khoác lên mình diện mạo mới với những con đường bê tông sạch đẹp, khu nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, xưởng sản xuất nhộn nhịp, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, văn minh, hiện đại. Tất cả bắt nguồn từ những lời dạy sâu sắc của Bác Hồ hơn 60 năm trước. Nam Cường không chỉ tiếp nối câu chuyện của quá khứ mà còn mở ra những chân trời mới – chân trời của một vùng quê trù phú, đậm đà bản sắc văn hóa, vươn lên mạnh mẽ cùng thời đại.

Thu Thủy – Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày