Thứ 7, 09/11/2024, 22:27[GMT+7]

Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

Thứ 5, 23/01/2014 | 20:06:45
41,114 lượt xem

(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 2/2014)

 

1- Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

 

Theo Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là:

 

- Tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, tức là khi được Ðảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải "có gan phụ trách", dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v. là không có tinh thần trách nhiệm.

 

- Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Người quan niệm, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái.

 

- Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng. Ðảng và Chính phủ đề ra chính sách, cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Ðảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ. Ðể thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Tóm lại, "phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Ðảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân". Theo Người, tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm.

 

- Theo Hồ Chí Minh, trái ngược với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi. Quan liêu là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Ðảng. Bệnh quan liêu là nguy cơ của Ðảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Quan liêu dẫn tới chủ quan, mệnh lệnh, hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng. Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc; "thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Nguyên nhân của bệnh quan liêu: do "xa nhân dân; khinh nhân dân;   sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân". Quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, là "kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta", là "bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta". Theo Hồ Chí Minh, để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng dân chủ mới, phải "tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ", "phải chống quan liêu".

 

2- Tấm gương của Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm.

 

Trong suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh mang theo hoài bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Người đã xác định trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc, ở đây là người dân mất nước. Những hoạt động của Người trong thời gian tìm đường cứu nước (1911-1920) là công việc tự giác, là trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc, đối với nhân dân. Suốt gần 10 năm, trải qua bao nhiêu sự tìm tòi, chiêm nghiệm, khám phá, cuối cùng Người đã tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc hoàn thành trách nhiệm đầu tiên do chính mình đặt ra. Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh tự xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp trí thức thanh niên yêu nước, về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

 

Ðầu năm 1930, Người đã hoàn thành được một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, đó là sáng lập ra đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc - Ðảng Cộng sản Việt Nam - để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại nền độc lập của Tổ quốc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi bị bắt, tù đày hay lúc đang nghỉ dưỡng sức Người luôn trăn trở về vận mệnh đất nước. Trong hoàn cảnh lao tù, Người xác định "Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao". Việc bị bắt, Người tự nhận là vì "hành động không đủ khôn khéo để đồng bào, đồng chí phải phiền lòng". Lời tâm sự của Người đã nói lên ý thức với tinh thần trách nhiệm cao cả: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân".

 

Khi về nước, Người khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiều công việc quan trọng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Người kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, coi trách nhiệm cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Namon> đều phải gánh vác một phần trách nhiệm. Người xác định trách nhiệm của mình: "Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề".

 

Từ sau năm 1945, với cương vị là người đứng đầu Ðảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã tự xác định cho mình trách nhiệm người công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và trách nhiệm nặng nề của người lãnh đạo cao nhất. Trong hoàn cảnh cách mạng "ngàn cân treo sợi tóc" những năm 1945 - 1946, Người xác định trách nhiệm quan trọng nhất là cùng với Ðảng, với dân bảo vệ được nền độc lập dân tộc mới giành được, để xây dựng đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

 

Trong quan hệ với nhà nước và nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình, đó là nhận sự uỷ thác của quốc dân, đồng bào, hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc giao phó "cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận" nhằm làm cho "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

 

Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Ðảng phạm sai lầm, khuyết điểm. Trước khuyết điểm đó, Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh, thay mặt Ðảng, Nhà nước xin lỗi nhân dân. Trong thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Ðảng, Người viết: "Trung ương Ðảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất".

 

3- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần phải:

 

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nỗ lực phấn đấu hết mình vì mục tiêu cao cả đó.

 

- Phải xác định mình là công bộc của dân. Cần nhận thức sâu sắc rằng, công chức không phải chỉ là một chức danh mà là một sứ mệnh. Sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức là những người tiêu biểu, tiên tiến trong nhân dân, phải nêu gương trước nhân dân.

 

- Phải tự mình vượt qua và chống lại những nhận thức quan điểm sai trái. Luôn cảnh giác, đề phòng giặc "trong lòng" với những hiện tượng như: chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị... Luôn đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chống thói vô cảm trước những vất vả, khó khăn của nhân dân.

 

Cụ thể hóa những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải xác định rõ cách thức và mức độ thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thông qua nhiệm vụ cụ thể, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Khi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người, vận dụng và thực hành tốt trong cương vị công tác của mình. Ðó chính là yêu cầu cần cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức khi thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị đối với mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.

 

Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

  • Từ khóa