Thứ 4, 13/11/2024, 05:25[GMT+7]

Bác Hồ với thiên nhiên

Thứ 6, 25/05/2012 | 09:01:32
17,679 lượt xem
Thuở sinh thời, khi Bác làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, thiên nhiên luôn là người bạn gần gũi không thể thiếu vắng bên Người.

Ảnh tư liệu

Sau bao năm bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước, dấu chân của Bác đã in hầu khắp cả năm châu. Vào sáng mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Tỵ (28/1/1941) Bác cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Ðặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc trở về Tổ quốc. Về đến cột mốc biên giới bằng đá số 108, Bác đứng lặng ngắm nhìn cảnh vật quê hương với bao cảm xúc dâng trào xao xuyến. Sau này, nhà thơ Tố Hữu đã có những vần thơ sống mãi trong lòng bạn đọc về sáng xuân này:

 

“Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ”

 

Tổ quốc thân yêu dang rộng vòng tay đón Bác trở về. Bác không chọn thành phố, đồng bằng để làm cơ sở cho cách mạng mà chọn Cao Bằng và lấy hang Pác Bó làm cái nôi cho Cách mạng Việt Namon> khi còn trứng nước. “Ngay từ những ngày đầu ở Khuổi Nậm, Bác đã bắt tay vào sửa sang chỗ ở. Gần lán, chỗ khe nước chảy có những đống cát nhỏ, Bác đào đất thành cái hồ nhỏ lấy nhũ đá ở các hang đá về xếp thành núi non bộ, cũng có hang, khe, đỉnh, có yên ngựa, có vách đá cheo leo, một cái cầu bắc ngang cây lau từ bờ hồ ra chỗ chân núi, chung quanh hồ trồng cây, cỏ trông như bức tranh “Sơn thủy hữu tình”. Ðồng chí Bảo An lấy đá gan gà đẽo thành một con cò lửa con rất khéo, con cò vươn cổ nhìn xuống hồ như đang rình bắt tép, Bác lại gọt chiếc thuyền gỗ nhỏ thả xuống nước, trôi bập bềnh rất đẹp (Người đầu tiên bảo vệ Bác, trang 50-51 NXB Quân đội nhân dân năm 2001).

 

Ôi kỳ diệu thay! Một lãnh tụ bận trăm công nghìn việc và luôn phải căng đầu, vắt óc cho những toan tính mất, còn vận mệnh của một dân tộc đang ngàn cân treo sợi tóc lại tiềm ẩn một tâm hồn nghệ sĩ, thi sĩ đầy ắp tính nhân văn. Thế giới nhìn nhận quả không nhầm khi UNESCO công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh: vị “Anh hùng giải phóng dân tộc” là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Bởi ở trong Bác ngoài sự điềm tĩnh dung dị còn có sự giao tiếp lịch thiệp đến tinh tế. Ðặc biệt ở Bác là chất thi sỹ và chiến sỹ đã quyện với nhau thành một:

 

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm  xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát, trăng ngân đầy thuyền”

                                  (Hồ Chí Minh)

 

Hình như quanh Bác, những vật bình thường cũng trở thành những người bạn thân thiết, những người thầy vĩ đại để chiêm ngưỡng và gửi gắm tâm tư. Bác đã đặt tên cả cho núi, cho sông:

 

“Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Ðây suối Lê-nin, kia núi Mác

Hai tay gây dựng một sơn hà”

                                   (Hồ Chí Minh)

 

Chỗ làm việc của Bác lại càng đơn giản nhưng mang đậm bản sắc của bậc hiền triết phương Ðông.

 

“Sáng ra đỉnh núi, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh lịch sử Ðảng

Cuộc đời Cách mạng thật là sang”

                                   (Hồ Chí Minh)

 

Yêu thiên nhiên, hòa đồng với thiên nhiên là bản tính của Bác và chính thiên nhiên đã tiếp cho Bác nguồn sinh khí để sống và làm Cách mạng. Mặc dù bị địch bắt giam cầm, đầy ải qua các nhà lao song ở Bác vẫn luôn luôn ánh lên một tình yêu đất nước, thiên nhiên và niềm lạc quan cách mạng vô bờ bến:

 

“Mặc dù bị trói chân tay

Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng

Vui say ai cấm ta đừng

Ðường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu”

                                   (Hồ Chí Minh)

 

Ra khỏi tù, leo núi là môn thể thao mà Bác thường tập. Trong khi leo núi, Bác vẫn không nguôi nhớ tới Tổ quốc, bởi ở đó có đồng bào, đồng chí của Người vẫn ngày đêm mong đợi Người về giải phóng dân tộc:

 

“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi

Lòng sông gương sáng, bụi không mờ

Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh

Trông lại trời Namon>, nhớ bạn xưa”

                                   (Hồ Chí Minh)

 

Tình yêu đất nước, thiên nhiên và cách sống giản dị của Bác còn thể hiện ngay trong những ham muốn khi Bác trả lời các nhà báo:

 

Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

 

Tình yêu đó đằm thắm, thiết tha đến tận cuối đời. Tết Kỷ Dậu 1969 – cái tết cuối cùng của Bác. Mặc dù sức khỏe của Bác đã yếu đi rất nhiều so với trước, nhưng Bác vẫn dặn đồng chí Vũ Kỳ: “Nhân dịp kỷ niệm mười năm Tết trồng cây, chú bố trí cho Bác đi trồng cây ở một địa phương có thành tích”.

 

Những cây phượng vĩ to, cao đứng lặng lẽ bên lề con lộ lớn dẫn vào một trường học khang trang. Những chùm nụ hoa mập mạp ẩn sau tán lá xanh tơ như đang chuẩn bị cho một mùa hoa đẹp nhất để dâng lên ngày sinh nhật lần thứ 122 của Bác. Mỗi chúng ta càng thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để thực sự thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Người. Góp phần nhỏ bé vào việc trả lại màu xanh cho trái đất và làm cho nước Việt Nam ta trở thành một đất nước bốn mùa “Hương sắc” trong con mắt bạn bè.

 

Nguyễn Ngọc Thành

(86, Lý Thường Kiệt, Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Thảo - 7 năm trước

hay quá

Tải thêm