Thứ 6, 15/11/2024, 05:29[GMT+7]

Nghệ thuật dùng gia vị cho món ăn đất Bắc

Thứ 3, 12/10/2010 | 09:36:40
3,763 lượt xem
Gia vị từ lâu đã trở thành một trong những nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến món ăn và sử dụng gia vị được coi là bí quyết cho món ăn ngon.

Các món ăn từ đặc sản đến bình dân, truyền thống đến hiện đại không thể thiếu gia vị đi kèm. Người xưa có bài đồng dao hóm hỉnh còn lưu truyền để minh chứng cho tầm quan trọng của gia vị trong chế biến món ăn:
 

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

Nghệ thuật sử dụng gia vị tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực vùng miền. Ẩm thực Việt Nam ngày càng được tôn vinh, người dân Bắc bộ không khỏi tự hào bởi nghệ thuật chế biến món ăn của họ đã chinh phục được bạn bè thế giới:
 
Ai lên xứ Bắc mà trông

Đất lành gạo trắng nước trong thay là
 
Không đương nhiên mà mảnh đất Kinh kỳ được người xưa nhắc đến trong câu nói “Ăn Bắc mặc Nam”, có lẽ cũng bởi “ăn uống là hiện thân văn hóa khi nó gắn trên mình những giá trị chân - thiện - mĩ”, câu nói này thật xứng với ẩm thực của người xứ Bắc.
 
Món ăn Bắc có vị thanh, không nồng, không gắt, luôn tôn trọng tính tự nhiên của thực phẩm, không chuộng cay như người miền Trung, không quá chua như canh Nam bộ. Cách xử lý gia vị của người Bắc vô cùng khéo léo và chừng mực, có chọn lựa, hài hòa và hợp lý trong số lượng. Nghệ thuật chế biến độc đáo tài hoa, trang trì món ăn cầu kỳ luôn hướng vào tâm lý “thích ăn bằng mắt” của thực khách, thưởng thức cũng hết mực tinh tế, hầu hết các món ăn đều kèm theo rau thể hiện xu hướng khoa học cao và chú trọng tới sức khỏe. Hành và các loai rau thơm đều thái bản to, bày lên trên đồ ăn giữ nguyên màu tươi xanh chứ không trộn lẫn hay nấu chín như món ăn miền Trung; cà rốt, cà chua sống thường được tỉa hoa nghệ thuật bày quanh đĩa thức ăn để làm món ăn trông thật đẹp mắt.

Hầu hết món ăn Bắc đều có vị đậm đà vừa phải, có thể thêm gia vị theo nhu cầu mỗi người ăn, phù hợp với nhiều người, làm vừa lòng cả những ai vốn khó tính nhất. Đồ ăn Bắc không nhiều dầu mỡ, không dùng gia vị quá mạnh, không đa vị như món ăn miền Trung nên thường nổi tiếng với các món bún, phở, miến nhẹ nhàng tao nhã. Thứ nước dùng của bún, phở cũng rất tinh tế, thuần nhất, nếu là phở bò thì dùng nguyên liệu hoàn toàn là thịt bò và xương bò hầm lấy nước với bí quyết “chế” gia vị độc đáo có một không hai. Nghệ thuật dùng gia vị của người miền Bắc gần với khẩu vị của người châu Âu, châu Mỹ nên luôn là sự lưa chọn hàng đầu của khách du lịch.  Phố Cổ Hà nội, nơi có nền văn hóa ẩm thực phong phú đậm hồn dân tộc và cốt cách thanh lịch của người Hà Thành xưa, đây cũng là điểm đến của du lịch bốn phương, nơi có lưu lượng khách du lịch đông nhất hàng năm. Người Bắc khéo léo trong cách học hỏi và kết hợp tinh hoa ẩm thực giữa các vùng miền tạo nên bản sắc riêng cho mình.

Văn hóa vùng miền thể hiện qua món ăn, sự độc đáo về địa lý, đa dạng về văn hóa là khởi nguồn cho mọi sự sáng tạo của nghệ thuật ẩm thực. Người miền Bắc cũng ăn uống theo mùa, mùa nào thức nấy, ví như món ốc Hà nội thường dùng trong mùa đông và vào những buổi tối. Sự khéo léo cầu kỳ không chỉ thể hiện ở những “mâm cao cỗ đầy” trong ngày lễ tết mà ở ngay những món ăn hàng ngày, quà bánh…. Cùng với món ăn cổ truyền dân tộc, ngày nay nhiều món ăn mới ra đời nhưng tất cả đều mang tinh hoa văn hóa của cư dân miền đồng bằng Châu thổ sông Hồng.
Hồng Nhung (Sưu tầm từ tapchimonngon)
  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày