Nhớ món "gà đồng" chốn thôn quê
Thủa ấu thơ, vào những ngày cuối vụ thu hoạch lúa mùa, tôi vẫn cùng chúng bạn đi mót lúa và lẽo đẽo theo sau xem người ta bắt chuột. Khoái nhất là những nhà nào có ruộng lúa gặt cuối cùng, chuột thường tập trung ở đấy vì sẵn mồi. Gặt đến đâu, chúng chạy dồn vào chỗ lúa chưa cắt đến đó, khi lúa còn bằng vài cái chiếu, người ta sẽ tập trung vừa bắt bằng tay, vừa quây lưới, loáng cái hơn chục chú chuột đã sa bẫy đem về chế biến, buổi tối cánh đàn ông có món khoái khẩu lai rai uống rượu sau một ngày lao động vất vả. Thậm chí, nhiều người còn đưa cả chó ra đồng để bắt chuột, gặp hang nào loài Tý trú ẩn là chúng dừng lại lấy 2 chân trước cào cào, khịt mũi vài cái và sủa vang để báo cho chủ biết, hễ chú chuột nào liều mạng dám chạy ra khỏi hang sẽ bị tóm gọn. Còn đám trẻ con choai choai mới lớn vừa chăn trâu vừa tranh thủ cầm thuổng đào chuột, cuối buổi mỗi đứa cũng bắt được vài chú “ chít chít” mang về.
Đó chỉ là những cách bắt chuột nghiệp dư, còn trong làng có vài chục tay săn chuột thiện nghệ được xếp vào hàng sư phụ, sư huynh, họ chỉ cần nhìn bãi cỏ, dấu chân là biết có nhiều hay ít chuột đi qua. Dụng cụ chính để bắt chuột mà đội quân này mang theo là cuốc, thuổng, vài cái nùn rơm, đơm, bao đựng chuột. Phát hiện ra hang nào chuột mới đào, họ đặt một nùn rơm, đốt rồi quạt cho khói bay vào hang. Mọi ngách hang đều được bịt kín, chỉ chừa ra một ngách để sẵn một cái đơm, không chịu được khói, chuột đành phải chui ra và lọt ngay vào đơm. Mỗi lần như vậy, lũ chúng tôi đứng xem khoái chí lại reo hò ầm ĩ.
Quê tôi, người ta bắt chuột quanh năm, nhưng thời gian cao điểm nhất vào tháng 11, tháng 12 âm lịch khi nước ải săm sắp, nhà nhà đều đổ ra đồng dùng mọi biện pháp để đuổi bắt đội quân “gặm nhấm” vừa để trừ hại cho mùa màng vừa có món ngon để “đánh chén”. Lúc này, mọi “hang cùng, ngõ hẻm” đều đã bị nước bủa vây, chúng đành phải bò lên các gò đống, bờ đất cao để tránh nước nên bắt chuột là dễ nhất. Đặc tính của chuột là sợ ánh sáng loá mắt nên người ta có thể dùng đèn để xua đuổi, chúng nhảy toán loạn, xô đẩy nhau rồi dồn cả vào một góc nơi có lưới vây sẵn. Giống chuột sinh sản rất nhanh, nhưng ngày còn bé tôi chưa hiểu điều đó nên luôn tự hỏi: “Chuột đâu ra nhiều thế? cả làng ăn mãi mà chả hết, sướng thật!”. Người làng tôi vẫn thường bảo:” Chuột tháng Mười”.
Theo lời các cụ cao niên lý giải thì: tháng Mười chuột ăn nhiều lúa gạo, lông vàng óng, béo nung núc, thịt thơm ngon. Công đoạn giết mổ chuột cũng rất công phu: cho chuột vào nước sôi rồi tuốt sạch lông, cắt bỏ hết đầu, đuôi, chân, mổ bỏ phần nội tạng, sau đó sát muối sạch để khử khuẩn. Những chú chuột đồng nhỏ làm sạch lông trắng như sáp, tuỳ theo sở thích của mỗi người, thịt chuột được chế biến thành nhiều món nhưng phổ biến nhất là: sào khế chua, sào sả ớt, rán, giả cầy, luộc, om đậu, nướng... rất thơm ngon, bổ dưỡng.
Với nhiều người nếu chưa thưởng thức món thịt chuột bao giờ, nhìn những con chuột chạy loăng quăng khắp chốn đã thấy rùng mình, lạnh tóc gáy chứ nói gì đến ăn. Nhưng nếu đích thực là chuột đồng, chúng ăn ngô, khoai, sắn....được chế biến một cách công phu, cầu kỳ, rồi thưởng thức món ăn này thì cũng rất thú vị. Vượt qua cảm giác sợ hãi ban đầu, bạn sẽ thấy mình khó lòng chối từ một món thịt “ Gà đồng” lần thứ hai. Trước đây ở quê tôi, thịt chuột là món ăn ưa thích của rất nhiều người, không chỉ có cánh đàn ông mà cả trẻ em, phụ nữ cũng mê mẩn.
Gần đây, nghe người ta kháo nhau ở Hài Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, một số tỉnh vùng sông nước Nam bộ thịt chuột lên ngôi, trở thành đặc sản chế biến thành mười mấy món, thực khách tìm đến thưởng thức đông vui tấp nập, bất chợt tôi nhớ đến món “Gà đồng” thủa hàn vi. Hôm vừa rồi về quê, đi qua cánh đồng làng hiu quạnh sau mùa gặt lúa, nhìn những đụn khói trắng ngà bay khắp chốn, tôi đã cố tìm nhưng không còn thấy cảnh người bắt chuột đông vui như xưa nữa. Thành viên các đội bắt chuột thiện nghệ trước đây nay cũng đã luống tuổi hết rồi. Mẹ tôi bảo: “Giờ thực phẩm đủ đầy, bày bán la liệt nên thịt chuột không còn được trọng vọng như xưa nữa, cũng ít người ra đồng bắt chuột về làm thịt vì mất nhiều thời gian lắm. Nhưng trong làng vẫn còn một nhóm thợ bắt chuột chuyên nghiệp, nếu ai “thèm món xưa” gọi bao nhiêu cũng có nhưng đắt bằng cả cân thịt bò đấy”.
Mạnh Cường
(CTV)
Tin cùng chuyên mục
- Cách làm thịt bò sốt tiêu đen thơm ngon, mềm mọng 17.05.2024 | 13:01 PM
- Việt Nam xác lập 6 Kỷ lục thế giới mới về ẩm thực, đặc sản 26.08.2022 | 11:19 AM
- Làm nama chocolate cho lễ tình nhân 10.02.2022 | 08:43 AM
- Cách làm làm bánh hình than tổ ong lạ mắt 19.07.2021 | 09:46 AM
- Cách làm món salad miến cá hồi đậm đà cho bữa trưa 17.07.2021 | 09:22 AM
- 3 công thức đơn giản làm kem cuộn tại nhà 16.07.2021 | 09:58 AM
- Mì xào giòn sốt xì dầu cho bữa sáng 15.07.2021 | 09:29 AM
- Món bánh ngọt làm khó cả đầu bếp chuyên nghiệp 15.07.2021 | 09:30 AM
- Cách bảo quản rau củ tươi lâu và những mẹo nấu ăn hữu ích 14.07.2021 | 08:16 AM
- Cách làm cocktail chanh bạc hà 13.07.2021 | 08:12 AM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật