Thứ 7, 16/11/2024, 22:29[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất: Xu thế và hướng đi

Thứ 6, 05/02/2021 | 08:55:21
10,750 lượt xem
Trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc tích tụ ruộng đất là một yếu tố quan trọng đưa nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Vùng sản xuất lúa hàng hóa xã Thái Thọ (Thái Thụy).

Quy hoạch quỹ đất nông nghiệp tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn là giải pháp nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những tiêu chí để nâng cao chất lượng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, hiệu quả. 

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, năm 2020, toàn tỉnh tích tụ được 22.169,58ha đất nông nghiệp; trong đó tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển quyền sử dụng đất đạt 7.883,58ha; tích tụ theo hình thức liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt 14.286ha. Tích tụ được ruộng đất, có trong tay tư liệu sản xuất với thời gian dài giúp người nông dân chủ động trong lựa chọn cây, con vật nuôi cũng như biện pháp canh tác; áp dụng máy móc, kỹ thuật vào canh tác góp phần giảm chi phí đầu tư; đặc biệt có thể trồng các loại cây theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực tế cho thấy nhiều hộ không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, trang trại mà còn tạo việc làm ổn định cho không ít lao động nhàn rỗi, tạo thu nhập ổn định.

Được xem là người “giải cứu” ruộng bỏ hoang, ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý (Kiến Xương) hiện đang thuê, mượn khoảng 50 mẫu ruộng gieo cấy 2 vụ lúa. Ông Dân đầu tư 3,5 tỷ đồng, trang bị 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 2 máy gặt, máy bón phân, giàn gieo mạ tự động, xây dựng 3 kho sấy tổng công suất 40 tấn/mẻ. Khâu bảo vệ thực vật ông thuê máy phun thuốc trừ sâu không người lái giúp giảm khoảng 50% chi phí so với phun thủ công lại bảo đảm hiệu quả, thời vụ phòng, trừ sâu bệnh. 

Ông Dân chia sẻ: Không chỉ dừng lại ở việc thuê đất cấy lúa, tôi còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất cũng như đưa các giống lúa năng suất cao, lúa thương phẩm sản xuất theo chuỗi liên kết có bao tiêu sản phẩm. Năm 2020, tôi đưa giống lúa gạo ngon nhất thế giới năm 2019 ST25 vào cấy thử nghiệm ở cả hai vụ cho năng suất khá, chống chịu sâu bệnh tốt; dự kiến sẽ mở rộng trong năm 2021 theo đặt hàng của một số đơn vị, doanh nghiệp. 

Ngoài sản xuất quy mô lớn, ông Dân còn làm dịch vụ “trọn gói” (làm đất, gieo cấy, thu hoạch, sấy) với diện tích hơn 50ha của người dân trong vùng, tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Về xã Nam Thắng (Tiền Hải), nơi quy hoạch vùng sản xuất giống lúa rộng 200ha, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Trước đây ruộng đất manh mún khiến bà con sản xuất rất khó khăn, giá trị thu nhập không cao. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương hình thành cánh đồng mẫu, quy hoạch lại sản xuất, từ diện tích 60ha vụ mùa năm 2014 đến nay đã tăng lên 200ha. Điều đặc biệt là toàn bộ diện tích này chỉ cấy 1 loại giống, được áp dụng phương pháp “4 cùng” (cùng giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch) nên quá trình tổ chức sản xuất thuận lợi, giảm được chi phí, tăng lợi nhuận. Toàn bộ sản phẩm được các công ty thu mua với giá cao hơn lúa thường khoảng 1,3 lần, tính ra mỗi héc-ta nông dân thu về 60 triệu đồng/vụ, lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/ha/vụ.

Không chỉ giúp nông dân, HTX phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập, làm giàu ngay tại quê hương; tập trung, tích tụ ruộng đất đang là bàn đạp thúc đẩy việc hiện đại hóa ngành Nông nghiệp của tỉnh. Triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Nghị quyết số 03, ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các huyện, thành phố đã quy hoạch được vùng “cánh đồng lớn” kết hợp với chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng đồng ruộng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. 

Năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng 479 cánh đồng lớn với tổng diện tích 14.000ha. Không chỉ tạo diện mạo mới trên đồng ruộng, tích tụ ruộng đất cũng thúc đẩy việc tổ chức sản xuất nông nghiệp khoa học hơn, thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao; thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã trang bị 1.400 máy gặt đập liên hợp, gần 140 máy cấy, trên 10.000 các loại máy khác phục vụ sản xuất. Tại các địa phương, kinh tế trang trại phát triển với 837 trang trại chăn nuôi.

Thuê đất trồng cà rốt thu lãi 3 triệu đồng/sào tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất như: hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản... Đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, các tổ chức kinh tế về tích tụ ruộng đất, giải quyết tâm lý mất đất, giữ đất của một bộ phận nông dân. Đẩy mạnh việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào xây dựng các vùng chuyên canh liên kết với hộ nông dân để hình thành những chuỗi giá trị, liên kết lâu dài. Củng cố, hoàn thiện HTX nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, khuyến khích tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập mới các HTX nông nghiệp, nhất là các HTX chuyên ngành, chuyên lĩnh vực để thu hút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Mục tiêu đến hết năm 2025, tổng diện tích tập trung, tích tụ ruộng đất khoảng 40.000ha; trong đó diện tích tập trung, tích tụ theo hình thức thuê quyền sử dụng đất khoảng 9.500ha, theo hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất khoảng 500ha, theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản khoảng 30.000ha phục vụ cho các dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung.

Ngân Huyền