Thứ 7, 16/11/2024, 00:16[GMT+7]

Kiến Xương Người chăn nuôi “xanh mặt” vì giá lợn

Thứ 4, 24/04/2013 | 08:11:25
1,366 lượt xem
Sau khi UBND tỉnh chính thức công bố dịch tai xanh ở xã Vũ Hòa (Kiến Xương), thị trường tiêu thụ lợn lại càng ảm đạm và khó khăn hơn. Giá thức ăn chăn nuôi (TACN) ngày một tăng cao, giá lợn hơi giảm mạnh đã khiến cho không ít hộ nuôi nao núng.

Chăm sóc đàn lợn ở một hộ nông dân xã Bình Thanh (Kiến Xương). Ảnh: Minh Đức

Chính thức công bố dịch ngày 06/04/2013, Vũ Hòa là địa phương đầu tiên của tỉnh xuất hiện dịch lợn tai xanh trong năm 2013. Sau những nỗ lực ngăn chặn, phòng chống lây lan, đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Số lợn tiêu hủy trên địa bàn xã kể từ khi phát hiện dịch đến nay là 20 con. Trước tình hình đó, những trang trại, gia trại lân cận vùng có dịch đang tranh thủ bán lợn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá lợn giảm. Mặc dù chịu lỗ do giá bán không cao nhưng tâm lý lo sợ dịch bùng phát sẽ không thể bán được, nhiều hộ dân đã gấp rút cho lợn “xuất chuồng” dù chưa đến thời điểm bán. Tuy tại các chợ, người dân vẫn chưa quay lưng với thịt lợn nhưng do sự kiểm soát chặt chẽ trong việc vận chuyển, buôn bán lợn, cùng với tâm lý hoang mang, bán chạy lợn của người dân tạo ra sự chênh lệch lớn giữa “cung” và “cầu”.

 

Giá lợn hình sin còn giá TACN thẳng tiến là lời than của hầu hết các hộ chăn nuôi. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá thịt lợn hơi dao động khoảng 40.000 đồng/kg thì thời gian gần đây, giá bán xuất chuồng lại càng giảm mạnh. Hiện tại, giá ở mức 32.000 – 33.000 đồng/kg với lợn 60 – 80 kg, 30.000 – 31.000 đồng/kg với lợn trên 100 kg. Chúng tôi về Bình Định (Kiến Xương), nơi có nhiều hộ chăn nuôi lợn, trước khi giá lợn liên tục giảm cùng với dịch tai xanh bùng phát, nơi đây thường duy trì hàng nghìn đầu lợn. Toàn xã có 73 trang trại, gia trại lớn nhỏ cùng với hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ khi chăn nuôi thua lỗ; các trang trại, gia trại lớn cố gắng cầm chừng nhưng những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như đã “trống chuồng”.

 

Tới thăm gia trại của gia đình ông Nguyễn Đình Dưởng, thôn Sơn Trung, xã Bình Định, hiện tại gia đình  đang nuôi khoảng 50 con lợn, mỗi con từ 25 – 30 kg. Trò chuyện với chúng tôi, ông Dưởng cho biết: “Trước đây, khi chưa có dịch, gia đình luôn duy trì đàn từ 60 - 70 con lợn. Tuy nhiên, dịch tai xanh xuất hiện cùng với giá lợn liên tục giảm, giá thức ăn chăn nuôi lại biến động không ngừng, gia đình phải giảm đàn, nuôi cầm chừng. Gia đình vừa xuất bán một lứa lợn với giá 33.000 đồng/kg, tính ra mỗi đầu lợn 70 – 80 kg chịu lỗ khoảng 200.000 đồng. Đấy là còn chưa kể gia đình có thêm một phần cám gạo từ việc xay sát thóc thuê cho bà con đã bớt được một phần chi phí cho TACN. Nếu giá lợn cứ giữ ở mức này hoặc giảm xuống nữa, số chuồng trại bỏ trống chắc sẽ còn tăng nhiều”.

 

Không được may mắn như gia đình ông Dưởng, hộ anh Nguyễn Văn Duẩn gần đó cho biết: Gia đình anh xuất lứa lợn sớm hơn, giá chỉ có 31.000 đồng/kg. Trong khi giá TACN tăng cao, trung bình khoảng 500.000đồng/bao 25 kg thức ăn đậm đặc. Tính ra, mỗi ngày một con lợn tiêu thụ khoảng 300g cám đậm đặc pha với cám ngô tự nấu; mỗi lứa lợn nuôi từ 5 – 6 tháng mới xuất được. Nếu giá bán đạt mức 40.000 đồng/kg thì mới có lãi, còn ở mức giá này, mỗi đầu lợn lỗ từ 200.000 – 300.000 đồng. Chưa kể các hộ phải đi vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, có khi còn lỗ nặng. Đây là tình cảnh chung của các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại.

 

Bà Hoàng Thị Hà, cán bộ thú y xã Bình Định cho biết: Mặc dù cán bộ thú y xã đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tai xanh nhưng do chăn nuôi thua lỗ bởi giá lợn hơi giảm mạnh, giá cám luôn ở mức cao cộng với tâm lý hoang mang trước dịch bệnh khiến nhiều hộ dân tìm hướng làm ăn khác. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ do không thể tự cung ứng con giống, mua TACN lẻ giá cao hơn nên rất nhiều chuồng trống. Các gia trại nuôi khoảng 1 trăm con lợn cũng có chiều hướng chững lại hoặc nuôi cầm chừng. Điều này, giải thích vì sao trước Tết, giá lợn giống từ 400.000 – 500.000 đồng/đầu lợn nhưng nay giảm còn 210.000 – 220.000 đồng/đầu lợn.

 

Trong khi người chăn nuôi lợn đứng ngồi không yên thì những hộ giết mổ, buôn bán thịt lợn vẫn lãi lớn. Theo khảo sát của chúng tôi, giá thịt lợn bán trên thị trường vẫn ở mức cao: thịt thăn là 90.000 – 100.000 đồng/kg, thịt mông có giá từ 80.000 – 90.000 đồng/kg. Giải thích cho sự chênh lệch lớn về giá này, các tiểu thương đưa ra lý do: Chuyện giá cao hay thấp là tuỳ vào thị trường, vì người tiêu dùng vẫn chọn mua thịt lợn nên giá không giảm. Giá lợn hơi càng thấp, họ càng có lãi cao.

 

Việc phát triển chăn nuôi lợn là hướng đi phù hợp nhằm tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình. Sử dụng các loại thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi cũng là xu hướng tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng “nghịch giá” như hiện nay là một thực tế đáng quan tâm. Nhiều người cho rằng, giá TACN liên tục biến động do các công ty phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Hơn nữa, việc tiêu thụ sản phẩm lại qua quá nhiều khâu trung gian. Mong muốn lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay chính là sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc ổn định đầu ra cho sản phẩm và hỗ trợ các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, giảm chi phí trong sản xuất. Có như vậy người chăn nuôi mới không phải “xanh mặt” vì giá.

Lưu Ngần

 

 

  • Từ khóa