Thứ 7, 16/11/2024, 01:44[GMT+7]

Phát triển cụm công nghiệp Số lượng nhiều, hiệu quả chưa tương xứng

Thứ 4, 01/05/2013 | 07:40:13
1,302 lượt xem
Việc hình thành các cụm công nghiệp (CCN) đã tạo thuận lợi cho các huyện, thành phố thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các CCN hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn và bộc lộ không ít hạn chế làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Xưởng sản xuất cơ khí tại Cụm công nghiệp Đông La (Đông Hưng).

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian qua tỉnh ta đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể, trong đó có việc quy hoạch các khu - cụm công nghiệp tập trung. Việc hình thành các cụm công nghiệp (CCN) đã tạo thuận lợi cho các huyện, thành phố thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các CCN hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn và bộc lộ không ít hạn chế làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 31 CCN với tổng diện tích 863,7 ha. Việc hình thành các CCN là một chủ trương đúng và mang lại nhiều lợi ích: Giúp các huyện, thành phố tăng cường thu hút đầu tư nhờ có sẵn mặt bằng (đất sạch) giao cho doanh nghiệp; giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; kiểm soát tốt hơn việc bảo vệ môi trường…

 

Hiện tại, các CCN đã thu hút 205 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 3.400 tỷ đồng, dự kiến sử dụng khoảng 37.500 lao động. Trong số đó đã có 139 dự án hoàn thành xây dựng chính thức đi vào sản xuất với tổng mức vốn đầu tư đạt 2.141 tỷ đồng (chiếm 62,64% vốn đăng ký). Hầu hết các dự án đăng ký đầu tư vào CCN đều có quy mô vừa và nhỏ, chỉ có 1 dự án có quy mô vốn trên 300 tỷ đồng, 7 dự án quy mô vốn từ 100 - 300 tỷ đồng, còn lại 197 dự án có quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Điển hình như CCN Phong Phú (Thành phố Thái Bình) đã thu hút 23 dự án đăng ký đầu tư; CCN Đông La (Đông Hưng) đã hoàn thành quy hoạch mở rộng diện tích lên 35,2 ha, hiện đã thu hút 42 dự án đầu tư, trong đó có 36 dự án đã đi vào sản xuất; CCN Đồng Tu (Hưng Hà) thu hút 11 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 222,5 tỷ đồng, số vốn thực hiện đạt 319 tỷ đồng, vượt 43,37% vốn đăng ký...

 

Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, lãi suất tín dụng cao, sự tàn phá của thiên tai… song tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại CCN vẫn đạt những kết quả tích cực. Tổng giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp tại các CCN năm 2012 đạt 1.845 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2011; trong đó CNN Phong Phú đạt GTSX hơn 300 tỷ đồng, CCN Đông La đạt 137 tỷ đồng… Ngoài đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của địa phương, hiện các CCN còn giải quyết việc làm cho khoảng 15.300 lao động.

 

Tuy nhiên, quy hoạch phát triển các CCN và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại CCN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn; trong đó khó khăn lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Giai đoạn 2007 - 2009, UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ mỗi CCN 3 tỷ đồng kết hợp với ngân sách huyện, thành phố để đầu tư xây dựng hạ tầng. Từ năm 2010 tới nay, việc đầu tư hạ tầng CCN hoàn toàn do ngân sách huyện, thành phố đảm đương nên càng eo hẹp hơn.

 

Ngoài đầu tư hạ tầng từ ngân sách, hiện mới có 3 đơn vị tham gia kinh doanh hạ tầng CCN nhưng chủ yếu mới chỉ nằm trên giấy tờ còn phần triển khai thực hiện rất hạn chế. Điển hình như CCN Phong Phú, việc quy hoạch chậm, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt tuyến đường dẫn vào CCN đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hình thành các ổ voi, bụi bẩn khi trời nắng, mưa xuống hình thành các ao nhỏ trên đường rất nguy hiểm nên ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa của các doanh nghiệp. Nhiều CCN chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng như Minh Lãng (Vũ Thư), Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ), Thái Dương, Thái Thọ (Thái Thụy)…

 

Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc thu hút đầu tư chậm. Trong số 31 CCN đã được quy hoạch chi tiết mới có 26 CCN thu hút được dự án đầu tư. Tổng diện tích đất cho thuê mới đạt 180 ha/863,7 ha; trong đó diện tích đã đi vào sản xuất đạt 133,4 ha, diện tích đang xây dựng là 40,7 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân chung chưa tới 30%. Điển hình như CCN Đông Phong mới thu hút 2 dự án đăng ký, trong đó có 1 dự án đi vào hoạt động; CCN Hưng Nhân (Hưng Hà) thu hút 3 dự án đăng ký nhưng mới có 1 dự án hoạt động; CCN Vũ Ninh (Kiến Xương) thu hút 2 dự án đăng ký, hiện 1 dự án đã đi vào hoạt động nhưng thiếu lao động nghiêm trọng, dự án còn lại đã bị thu hồi giấy phép do thiếu vốn, chậm triển khai đầu tư…

 

Bên cạnh đó, việc kiểm soát môi trường tại các CCN cũng rất hạn chế. Đến nay, tất cả các CCN đều chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải và rác thải tập trung. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi triển khai xây dựng và quá trình hoạt động chưa tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ môi trường, một số doanh nghiệp có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt yêu cầu. Tiêu biểu là các doanh nghiệp tại CCN Phương La (Hưng Hà) đã bị đình chỉ hoạt động do sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Ngoài ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp tại CCN đều đạt thấp. Giá trị sản xuất của các CCN năm 2012 mới chiếm khoảng 15% tổng GTSX CN-TTCN toàn tỉnh. Phần lớn các dự án có quy mô nhỏ, bình quân chỉ 16,7 tỷ đồng/ 1 dự án; giá trị sản xuất công nghiệp trung bình 8,4 tỷ đồng/1 ha; kim ngạch xuất khẩu đạt 0,29 triệu USD/ 1 ha. Thu nộp ngân sách hàng năm đạt thấp, khoảng 123 tỷ đồng, trung bình đạt 683,4 triệu đồng/1 ha.

Bài, ảnh: Mạnh Cường

 

 

  • Từ khóa