Thứ 7, 16/11/2024, 01:50[GMT+7]

Cơ hội và thách thức đối với người chăn nuôi

Thứ 5, 02/05/2013 | 16:24:55
1,216 lượt xem
Những năm gần đây, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như: Thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, nhưng tăng trưởng ngành chăn nuôi của Thái Bình vẫn đạt 5,98%, tỷ trọng chăn nuôi vẫn chiếm 37,62% giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Hình thức tổ chức chăn nuôi cũng chuyển dịch theo hướng nuôi tập trung trang trại, gia trại; hoặc trong nông hộ ở những vùng chuyển đổi, việc chăn nuôi nhỏ lẻ ngày càng thu hẹp. Nhờ vậy mà bước đầu đã khống chế được dịch bệnh.

Nuôi vịt thương phẩm ở một hộ nông dân xã Đông Lĩnh (Đông Hưng). Ảnh: MINH ĐỨC

Điều lo ngại nhất và làm người chăn nuôi khốn đốn nhất là tiêu thụ sản phẩm, như thời điểm hiện nay, lợn đến kỳ xuất chuồng mà không bán được, bán rẻ chịu lỗ cũng khó, bởi vì đã từ lâu chưa có một doanh nghiệp nào tiêu thụ được sản phẩm chăn nuôi, mà chủ yếu là do thương lái mua giết bán trong các chợ, hoặc chuyển đi bán sang Trung Quốc, hai lĩnh vực này tiêu thụ chậm là người chăn nuôi thừa ứ sản phẩm. Chính vì vậy mà giá cả cũng trôi nổi thất thường, giá lợn hơi trước  Tết Quý Tỵ 43.000 đồng/kg thì nay chỉ có 28.000 – 29.000 đồng/kg. Con gà, quả trứng cũng chung số phận như vậy, trong khi đó giá một kg thức ăn cho lợn từ 12.000 đồng/kg cuối năm 2012 nay lên 13.500 đồng/kg.

 

Người chăn nuôi đang loay hoay tìm cách giữ đàn và tìm đường tiêu thụ số lợn, gà đang tồn đọng nhưng rất khó khăn. Trong lúc người chăn nuôi không tiêu thụ được sản phẩm thì hàng thực phẩm kém phẩm chất, không rõ nguồn gốc, gà thải loại... vẫn len lỏi vào tận các ngõ ngách từ nông thôn đến thành phố lớn. Đây là một trở ngại lớn đối với người chăn nuôi và tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Trong lúc khó khăn tưởng không có lối thoát thì người chăn nuôi trong tỉnh đang có một cơ hội rất tốt, đó là đã tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng. Năm 2013 cơ hội đó đã đến, song để biến cơ hội thành hiện thực thì người chăn nuôi cũng phải trải qua những thách thức không nhỏ.

 

Thực hiện  sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị họp ngày 07/10/2012 và Thông báo số 394/TB-VPCP ngày 10/10/2012 của Văn phòng Chính phủ giao cho UBND Thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố liền kề Hà Nội, xây dựng nội dung và ký thỏa thuận, phối hợp về phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật.

 

Ngày 30/01/2013, dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Thái Bình, hai sở NN & PTNT Hà Nội và Thái Bình đã ký bản thỏa thuận phối hợp với mục đích là: Động vật, sản phẩm động vật được tiêu thụ ở Hà Hội và các tỉnh, thành phố bảo đảm an toàn thực phẩm. Nâng cao trách nhiệm của Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi đưa vào thị trường, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mở rộng thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật bảo đảm an toàn thực phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi. Thỏa thuận trên đã tạo điều kiện để sản phẩm chăn nuôi sạch của Thái Bình chính thống được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Một thị trường lớn với số dân trên 9 triệu người. Tuy  nhiên bản thỏa thuận cũng nhấn mạnh: Thực phẩm vào thị  trường Hà Nội phải là thực phẩm sạch (tức là thực phẩm an toàn).

 

Để bảo đảm cho bản thỏa thuận thành hiện thực về phía Hà Nội đã cam kết tạo thuận lợi cho Thái Bình. Đó  là: Hỗ trợ công tác quản lý dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ bán sản phẩm, bảo đảm an ninh trật tự cho các tổ chức, cá nhân bán sản phẩm an toàn của Thái Bình tại Hà Nội; giới thiệu gian hàng, địa điểm tổ chức cung cấp sản phẩm an toàn của Thái Bình tại Hà Nội. Tạo điều kiện để quảng bá sản phẩm và giới thiệu sản phẩm như in tài liệu, quảng cáo trên Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội miễn phí, hỗ trợ xây dựng thương hiệu của sản phẩm tiêu thụ tại Hà Nội, hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm (từ sản xuất – sơ chế - chế biến – và tiêu thụ sản phẩm an toàn cho Hà Nội.

 

Ngoài ra Hà Nội còn có các chính sách khác như: Hỗ trợ Thái Bình trên sàn bán buôn của Hà Nội (được hỗ trợ 50% phí tham gia giao dịch trong suốt thời gian tham gia sàn); được sàn quảng bá, tiếp thị sản phẩm, củng cố uy tín thương hiệu; Được kết nối bán hàng với các nhóm tiêu thụ bao gồm các siêu thị, cửa hàng đầu mối bán buôn, các nhà xuất khẩu, các điểm phân phối, tại các khu dân cư và các cơ quan trên địa bàn sàn đảm nhiệm; được đưa thông tin lên cổng thông tin trực tuyến của sàn trong suốt thời gian tham gia sàn; Được trưng bày mẫu hàng, thông tin về sản phẩm và tiếp khách hàng tại sàn (sàn đóng vai trò là văn phòng đại diện cho các đơn vị không có văn phòng tại Hà Nội).

 

Thái Bình được hỗ trợ thông tin và quảng bá miễn phí trên một số kênh thông tin tuyên truyền của Hà Nội như tuyên truyền về sản phẩm cơ sở sản xuất, sơ chế chế biến... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường Thủ đô, Thái Bình chủ trương tiếp tục xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi tập trung, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm cung cấp cho Hà Nội, lựa chọn sản phẩm có thế mạnh của Thái Bình để cung cấp cho thị trường Hà Nội, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

 

Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ tổ chức cá nhân cung cấp cho thị trường Hà Nội những sản phẩm bảo đảm chất lượng, có xuất xứ rõ ràng; Tỉnh hỗ trợ kinh phí để quảng bá sản phẩm gia súc, gia cầm an toàn cho các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm của tỉnh trên địa bàn Hà Nội.

 

Sản phẩm chăn nuôi của tỉnh rất đa dạng nên trước mắt phải chọn các loại có thế mạnh và là sản phẩm truyền thống để cung cấp cho Hà Nội. Mặt hàng gia cầm đang có thế mạnh phát triển và tiềm năng còn rất lớn. Năm 2012 toàn tỉnh sản xuất trên 11 triệu con. Có nhiều trang trại nuôi hàng chục nghìn con/lứa. Gia cầm có ưu điểm là vốn đầu tư không nhiều và quay vòng nhanh, có thể phát triển ở nhiều loại quy mô to nhỏ. Sản phẩm gia cầm muốn vào được thị trường Hà Nội thì phải tổ chức lại phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh tiến tới hộ chăn nuôi gia cầm cần được ngành chức năng cấp chứng chỉ an toàn dịch bệnh.

 

Hiệp hội gia cầm và trang trại nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến 148 hội viên là các chủ trang trại và 900 hội viên các Câu lạc bộ gia cầm trong toàn tỉnh. Hướng dẫn cho các hội viên tổ chức lại chăn nuôi, sắp xếp lại chuồng trại theo mục tiêu là xây dựng trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, lấy tiêu chí VietGAP (theo QĐ 2970/QĐ-BNN-CN ngày 23/11/2012 của Bộ NN & PTNT) để các trang trại đủ tiêu chuẩn và xin cấp giấy chứng nhận trại an toàn dịch bệnh GAP, từ đó sản phẩm gà thịt, trứng vịt của các hội viên được tiêu thụ trên thị trường Hà Nội.

 

Hiệp hội sẽ tập huấn, hướng dẫn các trang trại hội viên sử dụng các giải pháp kỹ thuật thống nhất như con giống, thức ăn, thuốc thú y, quy trình phòng chống dịch bệnh, kế hoạch sản xuất theo chuỗi kết nối chặt chẽ và đại diện cho hội viên tham gia sàn giao dịch Hà Nội để quảng bá sản phẩm của hội viên. Hiệp hội sẽ tập trung hướng dẫn các hội viên xây dựng trại đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên sản xuất chăn nuôi tốt và từng bước xây dựng thương hiệu cho đàn gà nuôi trong các trang trại hội viên, để quảng bá sản phẩm trên sàn Hà Nội, từ đó giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm tại Hà  Nội một cách ổn định, lâu dài.

Quách Thước

(Hiệp hội Gia cầm &  Trang trại nông nghiệp tỉnh)

  • Từ khóa