Thứ 7, 23/11/2024, 13:57[GMT+7]

Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Thứ 2, 02/06/2014 | 08:24:12
738 lượt xem
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức tiếp xúc với cử tri là chủ các doanh nghiệp với mục đích để nghe các doanh nghiệp nêu quan điểm về cơ chế, chính sách của trung ương, địa phương, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định của Nhà nước, nhất là các vấn đề về thuế, vay vốn, đất đai, môi trường, các thủ tục hành chính. Thông qua buổi tiếp xúc này, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp đã được

Dây chuyền sản xuất của Công ty Nien Hsing Grament.

Ông Trịnh Quốc Đạt, nguyên Chủ tịch Hội Vận tải biển Diêm Điền cho biết: Thái Bình có 213 doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có 160 doanh nghiệp đang hoạt động với 203 tàu có trọng tải 802.308 tấn. Hiện có 37 tàu cấp không hạn chế có trọng tải 316.000 tấn (chiếm 39%), 33 tàu hạn chế II với trọng tải 155.000 tấn (chiếm 19%) và 133 tàu nội địa trọng tải 330.000 tấn (chiếm 42%). Tổng số vốn đầu tư vận tải biển đến nay khoảng 7.000 tỷ đồng, thu hút hơn 3.000 lao động thường xuyên và khoảng 1.000 lao động mùa vụ với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, tình hình thị trường vận tải biển suy giảm 6 năm liên tục do giá xăng dầu leo thang đột biến. Thời gian tới nguồn hàng vẫn chưa được cải thiện trong khi nguồn cung các tàu mới vào thị trường vẫn tăng. Đối với một số nước như Trung Quốc, Singapo, Malaysia, Hàn Quốc đều có những chính sách hỗ trợ cụ thể về tín dụng, cấp vốn lưu động. Vì vậy để ngành Vận tải biển của Thái Bình hoạt động hiệu quả hơn, ông Đạt mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, treo lãi phát sinh, miễn phạt lãi quá hạn, giảm lãi tiền vay, tiếp tục cấp vốn lưu động cho tàu hoạt động. Ngoài ra giảm các loại phí có liên quan đến vận tải biển.

Ông Tô Xuân Cảnh, Giám đốc Công ty sứ Hảo Cảnh ở Khu công nghiệp Tiền Hải cho biết: Là công ty sản xuất các sản phẩm sứ vệ sinh thu hút 1.500 lao động trong và ngoài huyện với mức lương ổn định. Mặc dù có nhiều khó khăn song Công ty vẫn luôn duy trì việc làm và trả lương cho người lao động đầy đủ. Tuy nhiên mặt hàng gốm sứ tương đối nặng, Công ty chuyển hàng trên cả 3 miền, trước đây Công ty chở hàng vào Thành phố Hồ Chí Minh là 430 bộ bệt/xe với mức chi phí từ 18 - 19 triệu đồng/xe thì nay chỉ chở được 210 bộ bệt/xe. Do vậy chi phí vận chuyển tăng, Công ty không có đủ nguồn lực để trả tiền cước, hàng hóa ùn tắc trong kho. Ngoài ra, ở Việt Nam hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và lãi suất ưu đãi so với các nước trong khu vực vẫn còn kém. Việc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ năm 2010 đến nay vẫn “đắp chiếu để đấy”, trong khi đó các doanh nghiệp mỗi năm phải trả vốn vay vài chục tỷ đồng cho ngân hàng nên các doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn.

Theo ý kiến của bà Trần Thị Quy, Chủ tịch HĐQT Công ty Tam Kỳ, Luật Doanh nghiệp đã quy định đầy đủ các thủ tục khi thành lập doanh nghiệp, nhưng trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nên bổ sung thủ tục giải quyết hậu quả như phá sản để tránh tình trạng lách luật. Ngoài ra, nhiều đơn vị bị động trong quá trình sử dụng lao động, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu để có các điều khoản, quy định để các doanh nghiệp đỡ khó khăn trong quá trình quản lý, sử dụng người lao động, tránh tình trạng công nhân bỏ từ công ty này sang làm công ty khác.

Ông Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch men sứ Long Hầu chia sẻ: Từ năm 1996, Công ty đã tiếp nhận dây chuyền công nghệ, thiết bị của Italia. Trong thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng và phát triển quy mô để đạt doanh số từ 150 - 200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện tại cơ sở vật chất của Công ty rất manh mún và lạc hậu. Do đó Công ty sẽ phải quy hoạch lại tổng thể khu vực nhà xưởng, lựa chọn đầu tư thiết bị công nghệ. Nhưng trăn trở nhất của Công ty hiện nay là chưa khơi thông được nguồn vốn để nâng cấp nhà xưởng, đầu tư máy móc dây chuyền thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng, việc cân kiểm tra tải trọng xe đường bộ là chưa giải quyết được gốc của vấn đề, chưa phù hợp, cần có giải pháp khác để xử lý đúng bản chất của sự việc…

Nhiều năm nay, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã được tỉnh, các sở, ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Ông Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Đoàn sẽ là kênh truyền tải tiếng nói cho các doanh nghiệp nhanh và hiệu quả nhất. Điển hình như trước đây, Đoàn đã nhận được yêu cầu của Công ty Cổ phần Dệt sợi Đam San kiến nghị về nguồn nguyên liệu và đã đề nghị tới bộ ngành trung ương. Do đó không chỉ tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong tỉnh mà còn cả các tỉnh ngoài.

Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trên, ông Thường đề nghị lãnh đạo các sở, ngành tiếp thu, trực tiếp giải đáp các kiến nghị thuộc thẩm quyền của ngành tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng, thủ tục cấp đất, rác thải nông thôn… Các vấn đề doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ về chính sách bảo trợ cho hàng nội địa, giảm lãi suất vốn vay, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp sau đầu tư, giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5%, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư dây chuyền, trang thiết bị, cân kiểm tra tải trọng đường bộ… Đoàn sẽ tổng hợp lại tất cả các ý kiến để gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp và trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII để chỉnh sửa, bổ sung Luật Doanh nghiệp.

Thu Thủy


  • Từ khóa