Thứ 7, 23/11/2024, 14:12[GMT+7]

Chủ động sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn kịp thời và hiệu quả

Thứ 5, 03/07/2014 | 08:05:53
826 lượt xem
Chuẩn bị tốt các phương tiện, thiết bị, vật tư, nhân lực, kinh phí và quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức thường trực 24/24 giờ, chủ động sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả đó là mục tiêu mà Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn yêu cầu các thành viên của Tiểu ban và các sở, ngành, huyện, thành phố phải tổ chức thực hiện để phục vụ phòng, chống lụt, bão năm 2014.

Lực lượng chức năng diễn tập cưỡng chế tàu của ngư dân cố tình ra khơi khi có bão sắp đổ bộ vào tỉnh.

 

Thái Bình có 54km đê biển, nhiều cửa lạch, bãi ngang phục vụ cho hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 tàu khai thác thủy sản, cơ bản các tàu đều sử dụng đã lâu và không được bảo dưỡng thường xuyên, trang thiết bị an toàn còn thiếu nên rất dễ xảy ra tai nạn trên sông, biển. Ðồng thời có trên 3.000 lao động trên 2.600 chòi canh thủy sản và hàng nghìn lao động hoạt động thường xuyên tại các đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê biển. Ngoài ra, với hệ thống sông dày đặc, trong đó có nhiều sông lớn như sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, Trà Lý… nên có nhiều bến đò ngang hoạt động, trong khi đó ý thức chấp hành quy định an toàn của chủ đò và khách qua đò chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão. Ngoài ra, công tác CHCN còn gặp nhiều khó khăn do các điểm tránh trú bão cho các tàu cá còn thiếu và nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa như hệ thống chống va đập, luồng lạch hẹp không được nạo vét định kỳ; một số hộ dân nuôi trồng thủy sản tại các bãi ngang, bãi triều...không chủ động di dời khi có áp thấp, bão đổ bộ vào.

 

Theo ông Ðặng Ðình Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Tiểu ban CHCN tỉnh, hiện nay hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu khai thác thủy sản trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Bởi các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền được đầu tư xây dựng đến thời điểm hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 600 tàu, số tàu còn lại phải neo đậu tại các khu neo đậu tự phát của nhân dân, do đó khả năng an toàn cho tàu thuyền khi tránh trú bão không cao. Ðồng quan điểm với đánh giá trên, ông Hoàng Văn Túy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Tiểu ban CHCN huyện Tiền Hải cho biết: Hiện nay tàu vào neo đậu tại âu tránh trú bão Cửa Lân không an toàn, do vị trí khu neo đậu tránh bão rất gần với biển, diện tích neo đậu nhỏ, luồng tàu chưa được nạo vét, hai bên âu chưa có trụ neo, bị xói lở, bồi lắng; những phương tiện có công suất lớn khó ra vào âu để tránh trú bão, nhất là thời điểm nước thủy triều thấp.

 

Lực lượng chức năng diễn tập giải cứu tàu bị nạn trên vùng biển Thái Thụy.

 

Từ những khó khăn trên và thực tiễn đặt ra nên công tác CHCN luôn được xác định là nhiệm vụ trong tâm, xuyên suốt trong mùa lũ, bão. Theo đó, trước mỗi mùa mưa, bão, Tiểu ban CHCN tỉnh đã sớm xây dựng và triển khai phương án CHCN đến các cấp, các ngành, địa phương. Ông Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Tiểu ban CHCN tỉnh cho biết: Trước mùa mưa, bão năm nay, Tiểu ban đã tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác CHCN năm 2013, đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án năm 2014; cùng với đó là chỉ đạo các địa phương, đơn vị phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong việc tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện.

 

Trong thời gian này, Tiểu ban CHCN tỉnh tập trung kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác chuẩn bị phương án CHCN ở các địa phương, nhất là huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải... Quán triệt các đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng, vật tư, phương tiện và kinh phí, hậu cần tại chỗ; chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Theo đó, lực lượng, phương tiện, vật tư phục vụ CHCN đã được Tiểu ban phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các đơn vị địa phương.

 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý, kiểm soát, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản tại các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão; kiểm soát hoạt động tại các chòi canh thủy sản, khu vực bãi bồi ven biển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, vị trí xung yếu để khắc phục kịp thời các tồn tại về đê sông, đê biển và kè, cống, công trình phụ trợ; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức CHCN trên biển khi có áp thấp nhiệt đới, bão xảy ra. Ðối với hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải ngoài những nhiệm vụ chung như các địa phương nội đồng còn phải thực hiện di dân ngoài đê biển, lao động trên chòi coi thủy sản ngoài biển tới nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra... Vừa qua, Thái Thụy đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức diễn tập CHCN trên biển. Qua việc diễn tập này, không chỉ Thái Thụy mà các ngành, địa phương trong tỉnh còn rút ra được những bài học kinh nghiệm từ các tình huống giả định để áp dụng vào thực tế khi có tình huống xấu xảy ra.

 

Với các nhiệm vụ được giao, hiện nay các đơn vị, địa phương đang nỗ lực chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện cần thiết để chủ động phòng tránh, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão.

Nguyên Bình

 

 

 

  • Từ khóa