Chủ nhật, 10/11/2024, 05:39[GMT+7]

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Ðông Phương Liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ 3, 22/07/2014 | 08:35:14
1,123 lượt xem
Về Ðông Phương (Ðông Hưng) vào những ngày này, trên cánh đồng quy vùng sản xuất mướt xanh màu của mướp đắng, rộn rã tiếng cười nói của xã viên hợp tác xã nhanh tay thu hoạch sản phẩm xuất bán cho Công ty chế biến nông sản Hải Dương. Ðây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo “cú hích” mạnh giúp người nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, từng bước hình thành nền sản xuất hàng hóa bền vững.

Nông dân xã Ðông Phương (Ðông Hưng) thu hoạch mướp đắng.

 

Khẳng định vai trò của HTX trong liên kết sản xuất, ông Lưu Văn Thúy, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Ðông Phương cho biết: Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Ðông Phương đã có những bước tiến mới nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lao động. Nhiều chương trình, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã đem lại những lợi ích thiết thực, góp phần tạo thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế bền vững, ổn định cuộc sống. HTX thực hiện vai trò đầu mối tổ chức sản xuất, tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

 

Ðể tạo tiền đề cho xã viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ðông Phương đã đẩy mạnh dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa, giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất. Sau khi dồn điền đổi thửa, qua thực tế sản xuất, nông dân rất phấn khởi và tin tưởng thực hiện theo chủ trương của xã. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã chuyển đổi sang xây dựng và phát triển các mô hình phù hợp. Tiêu biểu là mô hình vùng sản xuất trồng mướp đắng được triển khai vào tháng 1/2014 với diện tích 5 ha, có 50 hộ xã viên tham gia. Trước đây, nông dân sản xuất nhỏ lẻ manh mún, kỹ thuật không cao, năng suất thấp nên đời sống gặp khó khăn. Do đó, khi thực hiện mô hình chuyển đổi, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm, bảo đảm giúp bà con yên tâm sản xuất và cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ðây là mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ mướp đắng mang lại hiệu quả rõ rệt.

 

Bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp thu mua nông sản còn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống máy bơm, đường ống tưới tiêu nước, giàn lưới... Mô hình liên kết sản xuất mướp đắng ở Ðông Phương là hướng đi tất yếu trong phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Ngoài diện tích đất của xã viên liên kết sản xuất với nhau, xã viên còn được nhận khoán định mức của HTX như chi phí ngày công lao động trên diện tích đất của HTX thuê của xã. Tiếp xúc với nhiều xã viên trồng mướp đắng, chúng tôi được bác Nguyễn Thị Tình (thôn Trần Phú) cho biết: Trồng mướp đắng cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Một sào mướp đắng trung bình cho thu hoạch trên 2 tấn quả, Công ty thu mua với giá 3.800 đồng/kg. Ngoài ra, tham gia mô hình này xã viên có mức thu nhập thêm do HTX chi trả, bình quân mỗi lao động có mức thu nhập 80.000 đồng/ngày. Ðây được xem là hình thức liên kết mà nông dân ít chịu rủi ro do HTX trực tiếp đứng ra ký kết đầu ra ổn định với công ty tiêu thụ nông sản. Mục tiêu chính mô hình hướng đến là tránh tình trạng “được mùa mất giá” như từ trước đến nay. Thêm nữa, thông qua mô hình, đã mở ra hướng đi mới  trong việc củng cố và tổ chức lại sản xuất của HTX DVNN sao cho HTX có đủ năng lực tự đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. 

 

Từ thành công của mô hình trồng mướp đắng, HTX tham mưu với UBND xã quy hoạch vùng tập trung để sản xuất lúa hàng hóa theo quy trình VietGAP, tập hợp đông đủ các hộ xã viên tham gia. Mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa được triển khai từ vụ mùa năm nay với diện tích 8,4ha có 20 hộ xã viên tham gia, được coi là “dịch vụ trọn gói” do Công ty Lương thực Thái Ðan hợp tác tổ chức. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng giống lúa chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình liên kết, thu mua sản phẩm; HTX DVNN đứng ra tổ chức các khâu dịch vụ, thủy lợi, gieo cấy, làm đất... Qua liên kết, nông dân có điều kiện mở hướng làm ăn hiệu quả, doanh nghiệp sản xuất thuận lợi lâu dài, HTX thể hiện được vai trò, vị thế trên mặt trận sản xuất mới.

Mạnh Thắng

 

  • Từ khóa