Thứ 7, 09/11/2024, 22:30[GMT+7]

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng Nhiều mô hình hiệu quả

Chủ nhật, 31/08/2014 | 16:20:14
1,616 lượt xem
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Thái Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn, đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Cây dưa vàng kim cô nương trên đất chuyển đổi mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh Hoàng Bá Toản (xã Việt Hùng, Vũ Thư).

Con đường đi lên của một huyện thuần nông như Vũ Thư bắt đầu từ nông nghiệp. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương đó, vụ xuân 2014, huyện Vũ Thư đã thực hiện chuyển đổi hơn 100 ha diện tích trồng 2 vụ lúa 1 vụ đông sang chuyên trồng một số cây rau màu có giá trị kinh tế cao như bí, khoai tây, mướp đắng, dưa, rau màu các loại; tập trung chủ yếu ở các xã Minh Quang, Song Lãng, Việt Hùng, Trung An, Song An, Ðồng Thanh… Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư Ðỗ Văn Ðồng cho biết: Sau 2 vụ sản xuất mô hình chuyên rau màu trên đất lúa đã phát triển khá bền vững, được nông dân đồng thuận. Giá trị kinh tế của mô hình cho hiệu quả gấp nhiều lần chuyên canh lúa. Mục tiêu của huyện là đưa sản phẩm màu trên nền đất ruộng vươn xa.

Theo đó, trong những năm tới Vũ Thư sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng vùng đất lúa sang trồng cây rau màu. Ðứng ở ruộng dưa lê, dưa vàng kim cô nương bạt ngàn đang giai đoạn thu hoạch, với lợi nhuận mỗi năm đạt 400 - 500 triệu đồng khiến chúng tôi thật khâm phục ý chí làm giàu của anh nông dân Hoàng Bá Toản, thôn Mỹ Lộc 1, xã Việt Hùng. Từ vùng đất trồng dâu kém hiệu quả và đất 5% của xã, anh đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu hơn 4 ha và chuyển đổi sang chuyên trồng cây rau màu các loại. Anh Toản chia sẻ: Những năm đầu chuyển đổi (năm 2006) do chưa có kinh nghiệm trồng cây gì nên lợi nhuận thấp, nhưng từ năm 2010 đến nay nhận thấy lợi thế của cây dưa lê với thời gian sinh trưởng ngắn, dễ trồng lại dễ tiêu thụ nên tôi tập trung trồng dưa lê. Sau khi thu hoạch xong, đầu tháng 8 tôi bắt tay vào trồng các loại rau như bắp cải chịu nhiệt, cà chua, bí xanh.

Do trồng sớm nên dễ tiêu thụ và không bị tư thương ép giá. Xã Trọng Quan, huyện Ðông Hưng vốn là địa phương nổi tiếng với việc thâm canh cây lúa và cây vụ đông, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 2012, khi được tỉnh chọn là một trong những xã xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh, với diện tích 50,27 ha, theo phương thức luân canh 2 vụ lúa cấy cùng một loại giống lúa Nhật làm hàng hóa và 1 vụ đông trồng khoai tây giống Sô-la-ra thì hiệu quả kinh tế đạt cao hơn rất nhiều, với giá trị đạt gần 215 triệu đồng/ha/năm; trong đó lợi nhuận đạt trên 110 triệu đồng/ha/năm, vượt trên 11 triệu đồng/ha so với tiêu chí thu nhập của cánh đồng lúa. Ông Vũ Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Trọng Quan cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình, từng bước hình thành và thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ðối với người nông dân quanh năm dầm mưa, dãi nắng, niềm vui lớn nhất vẫn là những sản phẩm làm ra với giá thành đầu tư thấp nhưng lại trúng mùa, được giá. Thế nhưng, bấy lâu nay bà con cứ canh cánh trong lòng nỗi lo về tình trạng tư thương ép giá, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Từ đó, việc bao tiêu sản phẩm luôn là sự ao ước của nông dân. Từ nhiều năm nay, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ đã làm được việc này, biến ước mơ của bà con xã viên thành hiện thực. Anh Ngô Doãn Ðô, Kiểm soát viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Thọ cho biết: Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ bắt đầu hơn 10 năm trước, với thành công của cánh đồng 50 triệu đồng/ha. Trên cơ sở đó HTX đã quy hoạch, mở rộng, cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu thuận lợi. Kết hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các mô hình trình diễn giúp nông dân tiếp cận với mô hình mới. Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho mỗi loại cây trồng trước mỗi vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã Quỳnh Thọ cũng hỗ trợ nông dân một phần giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện cơ chế trả chậm khi nông dân mua chịu phân bón tại HTX.

Ðặc biệt, các sản phẩm cây rau màu như bí đỏ, dưa gang, dưa bao tử, cà tím, ngô ngọt, mướp đắng… được HTX đứng ra liên kết với Công ty nông sản, Công ty Xuất nhập khẩu Ðức Lộc của tỉnh Hải Dương hỗ trợ, bao tiêu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ với giá cả ổn định. Vì vậy người dân luôn yên tâm sản xuất, gắn bó với đồng ruộng. Ðang bận mải với việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa nhưng chị Nguyễn Thị Khoa, thôn Minh Ðức vẫn tranh thủ ra HTX để mua hạt giống bí đỏ, dưa bao tử về trồng trên thửa ruộng hơn 2 sào chuyên màu của gia đình. Chị Khoa hồ hởi khoe: Từ lâu nay, trồng cây gì, mua phân bón nào, để chăm bón cho cây trồng nông dân chúng tôi lại ra HTX để nghe tư vấn và thực hiện theo, vì yên tâm không phải lo đầu ra cho sản phẩm do đã được HTX đứng ra nhận thu mua với giá cả ổn định. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thu lãi hơn 20 triệu đồng từ dưa gang và mướp đắng. Tôi đang chuẩn bị trồng dưa bao tử và bí ngô trên đất chuyên màu và tập trung chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ trên 5 sào lúa mùa trà sớm để sớm tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưu ấm. Ðối với nông dân Quỳnh Thọ thì cây màu có giá trị cao gấp 5 - 7 lần so với cây lúa, hơn nữa đầu ra luôn ổn định nên bà con yên tâm gắn bó, làm giàu từ ruộng đồng.

Các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa sang sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao đã và đang diễn ra rất sôi động, đi đến đâu cũng có thể bắt gặp những mô hình trồng cây màu trên đất lúa tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của bà con chính là việc lựa chọn cây trồng cho phù hợp, đầu ra ổn định và lợi nhuận cao để hình thành những vùng sản xuất chuyên canh.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa