Chủ nhật, 17/11/2024, 11:23[GMT+7]

Tạo sức bật cho nuôi tôm nước lợ (Kỳ 5)

Thứ 2, 05/06/2017 | 09:14:04
1,665 lượt xem
"Để nuôi tôm theo công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, các cấp, các ngành cần có chính sách đầu tư quy hoạch vùng nuôi tôm lâu dài, tránh đầu tư dàn trải, đồng thời tạo mọi điều kiện thủ tục thuê đất nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân có vốn, kỹ thuật vào nuôi tôm theo công nghệ mới nâng cao năng suất, giảm giá thành, hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra trên tôm nuôi".

Hộ nuôi tôm xã Nam Cường (Tiền Hải) xử lý môi trường ao nuôi.

Kỳ 5: Để trở thành vựa tôm

Những ngày này, anh Nguyễn Văn Hải, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) đang khẩn trương hoàn thiện từng hạng mục công trình như hệ thống cấp thoát nước xử lý môi trường; cứng hóa bê tông các ao nuôi; lắp đặt hệ thống điện, khung vòm… tại vùng dự án nuôi tôm công nghệ mới với diện tích 87ha. Đây là dự án đầu tiên nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới ở huyện Tiền Hải. Dự án khi đi vào sản xuất sẽ mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Anh Nguyễn Văn Hải cho biết: Sau nhiều lần đi tìm địa điểm đầu tư, tôi thấy Nam Thịnh có lợi thế rất lớn để nuôi tôm như nguồn nước, hệ thống điện, diện tích mặt bằng rộng… Vì vậy tôi quyết định đầu tư xây dựng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ mới tại đây. Đến nay dự án đã hoàn thành được hơn 60% kế hoạch.

Hộ nuôi thủy sản xã Nam Phú (Tiền Hải) xử lý vệ sinh ao nuôi

Theo ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Nuôi tôm công nghệ mới có ưu điểm hệ thống ao được cứng hóa bê tông xung quanh bờ và đáy ao nên hạn chế được lượng nước thất thoát; ngoài ao nuôi riêng biệt còn có hệ thống ao xử lý nước trong quá trình nuôi tránh lây lan dịch bệnh từ nguồn nước. Đặc biệt, nuôi tôm công nghệ mới có khung vòm ao nuôi nên nuôi tôm được quanh năm, mặc dù mùa đông kỹ thuật nuôi phức tạp hơn nhưng giá bán cao so với chính vụ. Để nuôi tôm theo công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, các cấp, các ngành cần có chính sách đầu tư quy hoạch vùng nuôi tôm lâu dài, tránh đầu tư dàn trải, đồng thời tạo mọi điều kiện thủ tục thuê đất nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân có vốn, kỹ thuật vào nuôi tôm theo công nghệ mới nâng cao năng suất, giảm giá thành, hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra trên tôm nuôi.

Sản xuất giống tôm tại Công ty Phương Nam (Thái Thụy)

Tại cuộc họp định hướng phát triển nuôi tôm vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục khai thác có hiệu quả diện tích nuôi tôm nước lợ hiện có theo chiều sâu thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, đầu tư phát triển nuôi tôm trở thành ngành sản xuất công nghiệp, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu bền vững. Cùng với mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hướng công nghệ mới, thân thiện với môi trường và duy trì phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững (tôm - rừng, tôm - lúa…) cần giảm dần diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến. Qua đó, phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng 10.220 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 1.022 tỷ đồng (tính theo giá thực tế); đến năm 2025, tổng sản lượng ước đạt 22.050 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 2.205 tỷ đồng. 

Để đạt được mục tiêu trên, trước hết các ngành, địa phương liên quan cần vận động nhân dân dồn ghép tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng, ao nuôi có diện tích đủ lớn để sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Hình thành các tổ hợp tác tạo mối liên kết trong sản xuất giữa các hộ nuôi với doanh nghiệp trong việc cung ứng con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, tiêu thụ sản phẩm để phát triển nuôi tôm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi tôm có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP…) để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị, hướng đến xây dựng thương hiệu cho tôm nước lợ. Hình thành một số vùng nuôi tôm chuyên canh có quy mô lớn, sản phẩm ổn định để có thể ký kết hợp đồng lâu dài với các nhà máy chế biến, xuất khẩu bảo đảm sản xuất bền vững. Cùng với đó tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đã được phê duyệt; hạn chế phát triển nuôi tôm tự phát, phá vỡ quy hoạch gây khó khăn quản lý môi trường và dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau để người nuôi hiểu và thực hiện các quy định của nhà nước có liên quan đến phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi tôm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cần quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi tôm nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị; xây dựng 1 - 2 dự án nuôi tôm áp dụng công nghệ tự động xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường chung để từ đó nhân rộng mô hình. Sớm hình thành hệ thống quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo cho người nuôi về những biến động bất lợi của môi trường, thời tiết, dịch bệnh… làm cơ sở xây dựng phương án kỹ thuật giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Ngoài ra, các cấp, các ngành phải có các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nuôi về các vấn đề: kết cấu hạ tầng; quản lý con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường; thị trường tiêu thụ; nguồn vốn…


Ông Đinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình

Trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tăng cường tiếp cận, mở rộng cho vay vốn đối với các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm nước lợ nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế tín dụng ngân hàng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Tiếp tục phát triển mạng lưới hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng.


Ông Phan Đình Dực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy

Để tạo điều kiện phát triển nuôi tôm nước lợ, UBND huyện đã tạo hành lang pháp lý cho các hộ nuôi trồng thủy sản ký hợp đồng thuê đất, cho phép cải tạo ao đầm, quy hoạch vùng nuôi tôm, bảo đảm các điều kiện về hạ tầng sản xuất… Hiện nay, diện tích nuôi tôm của huyện đạt 1.294ha, trong đó nuôi tôm thâm canh công nghệ mới đạt 30ha. Để phát triển đầu tư nuôi tôm thâm canh công nghệ mới, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh bổ sung cho các vùng nuôi tôm bảo đảm tiêu chuẩn, đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi và điện hạ thế phục vụ cho vùng nuôi. Ban hành quy định quản lý cho thuê đất vùng bãi triều, đất đầm nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển với thời gian dài hạn và cấp bìa đỏ cho diện tích thuê đầm nuôi tôm để người dân có cơ sở thế chấp với ngân hàng vay vốn đầu tư sản xuất. Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh can thiệp các ngân hàng thương mại có cơ chế đặc thù cho vay vốn để phát triển nuôi tôm nước lợ.


Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải

Để phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, các vùng nuôi cần đầu tư xây mới hoặc nâng cấp hệ thống công trình phụ trợ như điện 3 pha phục vụ sản xuất; tu sửa, nạo vét cống tưới, tiêu đầu mối; mở rộng hệ thống mương cấp, tiêu nước chính hoặc bổ sung hệ thống cống tưới, mương dẫn nước trong các vùng chuyển đổi. Đầu tư ao nuôi, ao chứa lắng, xử lý đủ điệu kiện để áp dụng khoa học công nghệ. Tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, cơ quan chức năng và người nuôi cần theo dõi sát diễn biến tình hình tiêu thụ tôm trên thị trường trong và ngoài nước để kịp thời thông tin, dự báo về lựa chọn đối tượng, mùa vụ thả nuôi phù hợp để hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm. Tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm khi sản xuất quy mô lớn.


Phan Lợi - Mai Thư - Mạnh Thắng - Trần Tuấn