Mô hình trang trại tổng hợp giúp giảm thiểu rủi ro khi có biến động về giá
Rời quân ngũ trở về quê hương, ông Nguyễn Ngọc Giang lại bước vào cuộc chiến mới không kém phần cam go, quyết liệt, đó là cuộc chiến chống đói nghèo. Với suy nghĩ nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán thì cùng lắm cũng chỉ đủ ăn, ông là người đầu tiên trong xã mạnh dạn tìm và du nhập nghề đan làn nhựa về địa phương. Cơ sở làm hàng thủ công của gia đình ông từng thu hút khá nhiều lao động và cho thu nhập ổn định. Những tưởng ông sẽ gắn bó lâu dài với nghề này nhưng không lâu sau đó ông đã quyết định chuyển sang làm trang trại.
Năm 2001, khi xã thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa lần đầu, ông đã xin chuyển toàn bộ phần ruộng khoán của gia đình thành một mảnh và thuê thêm diện tích đất 5% của xã để đầu tư làm trang trại. Biết chuyện nhiều người đã phản đối, trong đó có cả vợ con ông bởi vùng đất nơi ông nhận khoán vốn là diện tích chua mặn, cấy lúa kém hiệu quả nên bỏ hoang hoá. Nhưng ông Giang lại nghĩ khác, mình sinh ra từ nông nghiệp nên không ai hiểu nghề nông bằng chính mình, với lại nhìn khu ruộng bỏ hoang lâu ngày thấy tiếc. Thế là với số vốn ít ỏi tiết kiệm được từ làm nghề thủ công và đi cày thuê, ông Giang đã dồn hết vào việc cải tạo khu ruộng trũng thành ao nuôi thuỷ sản và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Giang tâm sự, nhận thấy làm nông nghiệp có nhiều rủi ro, không ít hộ đã phải bỏ nghề đi làm việc khác nên khi xây dựng trang trại ông đã chọn cách đầu tư chăn nuôi tổng hợp để giảm thiểu rủi ro, lấy cái này bù cho cái khác và lấy ngắn để nuôi dài. Trên khu đất rộng hơn 3ha, ông Giang dành ra hơn 4 mẫu để đào 4 ao nuôi cá truyền thống. Tiền lãi từ bán cá kết hợp với thu lợi từ hoa màu ông tích cóp đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay gia đình ông đã xây dựng hơn 700m2 chuồng trại để chăn nuôi gà, lợn. Với diện tích chuồng trại hiện có, mỗi lứa ông Giang thường xuyên nuôi khoảng 100 con lợn thịt và 300 con gà thịt. Tận dụng diện tích mặt nước sẵn có, ông Giang còn thả thêm 1.000 con vịt giống ngoại siêu thịt. Với những khu đất trống ven ao, ông kết hợp trồng cây ăn quả ngắn ngày như bầu, bí, mướp; cây ăn quả lâu năm như nhãn, vải, bòng…và trồng xen canh vụ dưa sớm.
Đúng vào dịp chúng tôi đến thăm trang trại, giàn bầu đang cho hàng trăm trái đều tăm tắp, buông kín cả lối đi; những giàn bí đao và mướp cũng đang ra hoa, kết trái; hai vườn dưa lê đã cho lứa trái đầu, do bán sớm nên được giá, bán tại ruộng cũng phải 18.000đ/ 1kg, nếu chính vụ giá chỉ còn một nửa. Những ruộng dưa, giàn bí không chỉ giúp tăng thêm thu nhập bù cho chi phí đầu vào mà còn tận dụng được thân lá tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn lợn và đàn cá.
Về thức ăn, ông chỉ đầu tư mua cám công nghiệp cho lợn và đàn gia cầm, riêng diện tích nuôi thuỷ sản ông sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên, chủ yếu là tận dụng lượng phân gà, phân lợn, lá và thân cây trồng ven bờ như ngô, chuối…nên giảm đáng kể chi phí đầu vào. Ngoài ra, gia đình ông Giang còn chọn cách sản suất giống tại chỗ để chủ động việc tái đàn và né được sự biến động về giá của thị trường. Hiện tại, trang trại của ông đang chăn nuôi 15 con lợn nái, đủ để cung cấp giống ổn định cho các ô chuồng nuôi lợn thịt. Lượng cá giống cung cấp cho 4 ao cũng hoàn toàn do ông tự ươm gột, đưa vào nuôi gối vụ sau đó lọc bán 2 lần mỗi năm.
Với quy mô và cách làm như trên, hàng năm trang trại của gia đình ông Giang cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn cá thịt, 8- 9 tấn lợn thịt, 5- 6 tấn vịt và gà thịt, chưa kể khoản thu từ cây ăn quả ngắn ngày. Mô hình trang trại tổng hợp không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro khi có biến động về giá mà còn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nếu trừ đi các khoản chi phí đầu vào, tính ra mỗi năm gia đình ông Giang thu lời từ 100 - 150 triệu đồng, khoản tiền không phải là nhỏ đối với người dân nông thôn.
Theo lời ông Phí Hồng Dương - Phó chủ tịch Hội CCB Thành phố thì xã Vũ Chính hiện có 2 trang trại và hơn 30 gia trại do cựu chiến binh làm chủ. Trong đó mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Ngọc Giang là lớn và hiệu quả nhất.
Vũ Mạnh
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai