Thứ 7, 16/11/2024, 12:43[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến sơ kết chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn giá

Chủ nhật, 17/06/2012 | 16:03:33
1,065 lượt xem
Sáng ngày 16/ 6/ 2012, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và 17 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm sơ kết đánh giá chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn giá. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tại đầu cầu Thái Bình tham dự hội nghị

Tại đầu cầu Thái Bình có đồng chí Phạm Văn Ca - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá trên địa bàn.

         

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố (trong đó có Thái Bình) đã triển khai chương trình bình ổn thị trường thông qua biện pháp sử dụng nguồn ngân sách ứng vốn không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá thiết yếu với cam kết bán thấp hơn giá thị trường từ 5- 10%. Đến nay, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá với sự tham gia của 244 doanh nghiệp. Tổng số kinh phí mà các địa phương ứng ra để hỗ trợ doanh nghiệp năm 2010 là 950 tỷ đồng, năm 2011 tăng lên gần 2.650 tỷ đồng. Về phía các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị kinh phí đối ứng để mua hàng dự trữ với tổng số tiền lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Số điểm bán hàng bình ổn giá trên phạm vi cả nước là 4.600 điểm, trong đó có 2.294 điểm bán tại chợ truyền thống và khu vực nông thôn.

         

Tại Thái Bình, chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua, UBND tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp 35,5 tỷ đồng mua hàng dự trữ; toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn tại 68 điểm với các mặt hàng thiết yếu như: Gạo (2.257 tấn), dầu ăn (7,78 tấn), thực phẩm chế biến (1.454 tấn), thịt gia súc gia cầm (26 tấn), thuỷ sản đông lạnh (27 tấn)…Chương trình đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất phát triển.

         

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thì chương trình bán hàng bình ổn giá còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Vốn ngân sách của các địa phương còn hạn hẹp dẫn tới quy mô chương trình chưa lớn, thời gian thực hiện còn ngắn; mới tập trung hỗ trợ lãi suất mà chưa tạo được sự gắn kết giữa sản xuất- lưu thông- bán lẻ và sắp xếp lại hệ thống phân phối; do giá bán bình ổn thấp hơn thị trường 5- 10% đã tạo kẻ hở để tư thương lợi dụng đầu cơ mua đi bán lại để kiếm lời…

         

Để khắc phục hạn chế nói trên, các đại biểu dự hội nghị kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì và mở rộng chương chình. Giao Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn chung và xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lớn tham gia dự trữ, bán hàng bình ổn giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để vận động ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia chương trình nhằm nâng cao trách nhiệm với xã hội, từng bước tiến tới rút dần vốn hỗ trợ từ ngân sách. Đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ về mặt hàng tham gia bình ổn, giá bán, chất lượng sản phẩm…xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc lợi dụng chương trình để làm ăn bất chính. Chú trọng hơn đến thị trường nông thôn, khu vực miền núi, hải đảo, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán, thiên tai, dịch bệnh…

Vũ Mạnh

  • Từ khóa