Thứ 7, 16/11/2024, 12:38[GMT+7]

Lê Lợi Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân

Thứ 2, 18/06/2012 | 08:10:22
1,507 lượt xem
Trong Bộ 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) thì tiêu chí số 10 về thu nhập là một trong những tiêu chí tương đối khó để đạt được. Với Lê Lợi (Kiến Xương) thời gian qua đã phát huy tốt lợi thế sẵn có của mình, kết hợp mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nghề chạm bạc xã Lê Lợi (Kiến Xương). Ảnh Thành Tâm

Từ bao đời nay, Lê Lợi đã nổi tiếng với nghề chạm bạc, được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến. Ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề chạm bạc ở Lê Lợi có từ cách đây hàng trăm năm, phát triển chủ yếu ở hai thôn Phú Ân và Văn Hanh. Có đến Lê Lợi mới thấy được sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề chạm bạc, hầu hết các gia đình dọc hai bên đường đi về phía trung tâm xã đều mở các cửa hàng trưng bày sản phẩm. Hồng Thái và Trà Giang cũng có nghề truyền thống chạm bạc, nhưng đến nay chỉ riêng Lê Lợi vẫn duy trì được mô hình HTX Phú Lợi làm nghề kim hoàn chạm bạc Đồng Xâm.

Ngoài HTX Phú Lợi, toàn xã hiện có gần 40 cơ sở chạm bạc, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập trung bình từ 100 - 200 nghìn đồng/ người/ ngày. Chẳng hạn như cơ sở chạm bạc Hợp Hạnh (thôn Văn Hanh), ngoài tiền thưởng cuối năm, cơ sở còn chi trả cho 30 lao động với mức thấp nhất 60 nghìn đồng/ người/ ngày và cao nhất là 5 triệu đồng/ người/ tháng. Cùng với  làng nghề chạm bạc truyền thống, năm 1990, Lê Lợi còn du nhập thêm nghề dệt đũi từ xã Nam Cao liền kề về thôn An Thái và Trung Kinh. Nhờ đầu ra tương đối ổn định, nghề dệt đũi đã tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với mức thu nhập trung bình 100 nghìn đồng/ người/ ngày. Ngoài ra, Lê Lợi còn phát triển đa dạng các ngành nghề khác: dệt thảm, thêu ren, may mặc, kinh doanh dịch vụ, chế biến lương thực, thực phẩm...

Bên cạnh việc duy trì, phát triển nghề và làng nghề, Lê Lợi còn tập trung phát triển nông nghiệp trên cả ba lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đối với trồng trọt, nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, vụ xuân năm 2012, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, Lê Lợi đã thực  hiện quy vùng gieo cấy 30 mẫu lúa giống QR2 ở thôn Phú Ân cho Tổng công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình. Đến nay, diện tích này đã cho thu hoạch với năng suất dự kiến 2,7 tạ/ sào. Ngay sau khi thu hoạch, Tổng công ty giống đã thực hiện thu mua thóc tươi tại địa phương với mức giá 6.000 đồng/kg. Cùng với niềm vui đó, gần 400 ha các giống lúa ngắn ngày khác được cấy bằng mạ sân ở Lê Lợi cũng đã chuẩn bị cho thu hoạch với năng suất dự kiến 75 tạ/ha.

Đối với chăn nuôi, công tác thú y luôn được Lê Lợi coi trọng, các biện pháp phòng chống dịch, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ tiêm phòng hàng năm luôn đạt trên 90%. Hoạt động thương mại dịch vụ ở Lê Lợi cũng phát triển khá, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh và mang lại thu nhập cho các hộ gia đình. Với lợi thế là địa phương có chợ Lụ truyền thống, là chợ vùng của 9 xã phía Bắc huyện, diện tích 3.700 m2 với tổng số trên 300 hộ kinh doanh. Chính vì vậy, việc giao lưu, buôn bán hàng hóa trên địa bàn xã rất sôi động và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2006, thực hiện dự án chợ làng nghề của Sở Công Thương, Lê Lợi đã được đầu tư xây mới khu nhà 2 tầng với tổng diện tích 600 m2. Đến tháng 5/2012, chợ Lụ tiếp tục khánh thành và đưa vào sử dụng khu bán thực phẩm sạch theo dự án của Sở NN&PTNT với tổng số 32 quầy, tổng vốn đầu tư 700 triệu đồng.

Nhờ đó, Lê Lợi đã sớm đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn. Là trung tâm của 9 xã, Lê Lợi còn có bến xe khách của huyện đặt tại địa phương với nhiều tuyến, tạo điều kiện mở rộng giao lưu buôn bán với các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội (6 chuyến/ngày), Quảng Ninh (2 chuyến/ ngày), Hải Dương (1 chuyến/ ngày).

Từ việc đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, hàng năm Lê Lợi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách tại địa phương, được UBND huyện tặng giấy khen về thành tích trong công tác thuế. Bên cạnh đó, Lê Lợi còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế – xã hội như: Quỹ TDND hoạt động an toàn và có hiệu quả với tổng số tiền cho vay hàng năm khoảng 27,42 tỷ đồng, các tổ chức đoàn thể tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền 12,4 tỷ đồng. Các nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

Nhờ phát huy tốt nội lực, bức tranh kinh tế - xã hội ở Lê Lợi ngày càng khởi sắc, thu nhập của nhân dân ngày càng được nâng cao. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 73 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2010, trong đó nông nghiệp – thủy sản 16 tỷ đồng, công nghiệp – xây dựng 43 tỷ đồng và dịch vụ 14 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm. Đến nay, Lê Lợi đã hoàn thành 12/19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Đến năm 2015, Lê Lợi phấn đấu hoàn thành nốt 7 tiêu chí còn lại để trở thành xã NTM.

Minh Hương

  • Từ khóa